Chủ động, linh hoạt vận động các nguồn vốn hỗ trợ đoàn viên phát triển kinh tế, cuối năm 2015, huyện Tam Bình không còn đoàn viên nghèo.
Chủ động, linh hoạt vận động các nguồn vốn hỗ trợ đoàn viên phát triển kinh tế, cuối năm 2015, huyện Tam Bình không còn đoàn viên nghèo. Anh Trần Công Khánh- Bí thư Huyện Đoàn Tam Bình cho biết: Biện pháp chủ yếu của chúng tôi là hỗ trợ cho mượn vốn và hướng dẫn đoàn viên học hỏi các mô hình hiệu quả.
Gia đình anh Nguyễn Phú Quí đã thoát nghèo, kinh tế ổn định. |
Trao cần câu cho thanh niên
Tam Bình có hơn 4.000 đoàn viên, trong đó có hơn 60 hộ đoàn viên nghèo. Để giúp đoàn viên thoát nghèo, từ đầu năm 2015, Huyện Đoàn đã lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ vốn cho sản xuất, làm ăn.
Anh Trần Công Khánh- Bí thư Huyện Đoàn cho biết: “Tìm kiếm những mô hình kinh tế khả thi, chúng tôi cho đoàn viên học hỏi và hỗ trợ vốn xoay vòng cho đoàn viên nghèo. Mỗi đoàn viên được cho mượn 10 triệu đồng, sau một năm sẽ trả lại để tiếp tục cho đoàn viên khác mượn”.
Trong năm, đã cho 3 đoàn viên mượn vốn; đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp- PTNT tập huấn và thực hiện nhiều mô hình: nuôi lươn, trồng cam xoàn, trồng gừng,… Ngoài ra, Huyện Đoàn còn vận động trao 10 căn nhà cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
Đến thăm nhà mới khang trang trị giá 80 triệu đồng của anh Nguyễn Phú Quí ở xã Hòa Lộc, anh Quí cười thật tươi: “Huyện Đoàn vận động cho 40 triệu, còn 40 triệu thì anh em cho mượn và gia đình đóng góp thêm”.
Mới đây, gia đình anh Quí đã được thoát nghèo. Anh nhận được 2 con bò giống từ dự án Heifer để phát triển kinh tế.
Anh cho biết thêm: “Tôi ra riêng chỉ với 1 công ruộng, rồi có con nên nhà thêm túng quẫn, nói nhà cho oai chứ trước đây là cái chòi thôi”. Anh Quí chia sẻ: “Được cho cái nhà, vợ chồng tôi mừng, nôn nao không ngủ. Giờ có chỗ ở đàng hoàng, chúng tôi lo phát triển kinh tế gia đình”.
Anh Nguyễn Văn Linh (xã Phú Lộc) ra riêng với đôi bàn tay trắng. “Cái nền nhà trước cũng nằm trên phần đất thuê”- anh Linh nói.
Gia đình anh Linh không có đất sản xuất, nhưng anh lại siêng năng cần cù, chịu khó và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên anh thuê đất và làm vườn hợp đồng ăn chia với chủ vườn. Những vườn cây “hợp đồng” của anh Linh luôn trĩu quả mang lại thu nhập cao.
Anh Linh cười: “Tôi đang làm hơn 20 công xoài Đài Loan cho trái nghịch và gần 5 công ổi Đài Loan”. Giờ đây anh đã thoát nghèo và chuẩn bị xây nhà mới.
Giảm hơn 800 hộ nghèo, cận nghèo Cuối quý III/2015, Tam Bình không còn hộ đoàn viên nghèo và đã có thêm 978 bạn trẻ được giải quyết việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình; góp phần đáng kể thực hiện tiêu chí hộ nghèo, thu nhập chuẩn nông thôn mới ở địa phương.
|
Vươn lên phát triển kinh tế
Không chỉ thoát nghèo, nhiều đoàn viên còn vươn lên phát triển kinh tế với thu nhập ổn định.
Đến nhà anh Nguyễn Văn Rõ (xã Hậu Lộc) khi anh mới từ ruộng về, căn nhà thật dễ tìm vì “chạy thẳng nhà nào chất một đống rơm là tới”.
Anh Rõ chuyên sản xuất nấm rơm và đã nhận được nhiều bằng khen của Đoàn, của huyện, của tỉnh với mô hình này. Anh Rõ chỉ vào đống rơm: “Mùa này ăn rơm ít, tôi chở về có 50 công thôi”! Bình quân, mỗi vụ nấm tôi lời hơn 30 triệu đồng, mỗi năm làm từ 3- 4 vụ”. Cũng từ làm nấm, anh còn tạo việc làm cho 2- 3 thanh niên trong xóm, thu nhập hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Anh Nguyễn Văn Rõ nhờ trồng nấm rơm mà vươn lên phát triển kinh tế. |
Anh Rõ dẫn chúng tôi đi xem những giồng nấm đang thu hoạch với giá bán hiện là 55.000 đ/kg. Khoe những tai nấm rơm mập mạp, trắng đục như sữa, anh Rõ nói: “Không phân thuốc gì đâu, tôi đậy rơm dày và bón men, nếp, đậu xanh, đậu nành cho rơm là nấm trắng thôi”.
Có những dịp rằm, anh cân nấm với giá 75.000- 80.000 đ/kg, anh cười: “Ngày cao điểm bán được tới 14 triệu đồng”. Chỉ tay vào mái hiên nhà để trống, anh Rõ giải thích: “Tôi đang định trồng nấm rơm trong nhà. Mô hình tôi mới học ở Tiền Giang, năng suất cao, tiết kiệm nhân công và chi phí đầu tư thấp”.
Anh Phan Xuân Hà (Khóm 4, thị trấn Tam Bình) là một điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện. Từ 3.000m2 đầu tư trồng cam sành có hiệu quả, anh Hà đã mua thêm 12.000m2. Anh Hà cho biết:
Trước đây, tôi là Bí thư Chi đoàn Khóm 4 nên thường xuyên được đi tham quan, học hỏi các mô hình để cam cho trái nghịch năng suất cao. Về ứng dụng lại đạt hiệu quả, mỗi năm anh thu được trên 370 triệu đồng từ cây cam.
Được cho mượn vốn, được tham quan học hỏi để phát triển các mô hình, nhiều đoàn viên trong huyện Tam Bình nhờ vậy thoát nghèo. Hơn thế nữa, nhiều đoàn viên còn vươn lên làm giàu.
Bí thư Huyện Đoàn- Trần Công Khánh: “Chủ động tạo nguồn vốn cho đoàn viên, chúng tôi vừa triển khai vận động mỗi đoàn viên trong huyện đóng góp để hỗ trợ vốn đoàn viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ước tính, năm 2016, Huyện Đoàn sẽ có từ 40- 50 triệu đồng cho đoàn viên diện này có nhu cầu mượn vốn. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin