Khởi nghiệp từ dừa

04:02, 02/02/2023

Học ĐH Bách khoa chuyên ngành địa chất, trụ lại Sài Gòn trải nghiệm công việc 5 năm với chuyên môn, bạn Trương Chí Triển (35 tuổi, ngụ Phường 4, TP Vĩnh Long) sau đó về quê để khởi nghiệp... với các sản phẩm từ trái dừa.

Dự án khởi nghiệp góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Dự án khởi nghiệp góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Học ĐH Bách khoa chuyên ngành địa chất, trụ lại Sài Gòn trải nghiệm công việc 5 năm với chuyên môn, bạn Trương Chí Triển (35 tuổi, ngụ Phường 4, TP Vĩnh Long) sau đó về quê để khởi nghiệp... với các sản phẩm từ trái dừa.
 
Có vẻ hơi “nghịch” nhưng Triển kể, đây là một phần ký ức tuổi thơ khi ở nhà cha mẹ đã từng nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp. Tham gia vòng chung kết Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần thứ V mới đây, dự án “Sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa” của nhóm tác giả Trương Chí Triển và cộng sự (HTX Dịch vụ Nông nghiệp đa ngành TP Vĩnh Long (gọi tắt HTX) đem dự thi và đoạt giải khuyến khích.
 
Triển cho biết, trước tình trạng nguyên liệu sản xuất tăng giá, làm cho giá một số mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh trong khi giá nguyên liệu dừa trong nước đang thấp, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy ép thủy lực để sản xuất nước cốt dừa theo công nghệ ép lạnh, chưng cất nước cốt dừa ở điều kiện tối ưu để thu được tinh dầu dừa, đưa sản phẩm ra thị trường. Theo quy trình và công nghệ sản xuất hiện tại, HTX chủ yếu tập trung vào tinh dầu dừa và nước cốt dừa ép lạnh, còn các sản phẩm khác như than hoạt tính từ gáo dừa và sợi sơ dừa,... tương lai sẽ được đầu tư.
 
Một công đoạn sản xuất và chế biến dừa của Trương Chí Triển và nhóm cộng sự.
Một công đoạn sản xuất và chế biến dừa của Trương Chí Triển và nhóm cộng sự.
Giới thiệu về nước cốt dừa ép lạnh, chàng thanh niên khởi nghiệp cho biết, trái dừa khô sau khi lột vỏ bằng máy lột dừa, cơm dừa được lấy bằng dao chuyên dụng và gọt đi vỏ lụa. Tiếp tục công đoạn sơ chế và làm sạch cơm dừa.
 
Cơm dừa sau khi được làm sạch đi qua máy bào để ra kích thước nhỏ hơn. Cơm dừa này đem cho qua hệ thống máy nén ép để thu được phần nước cốt dừa. Nước cốt dừa sau khi sơ chế và qua giai đoạn thanh trùng sẽ đưa vào túi nhựa đóng gói và trữ đông lạnh. Sản phẩm nước cốt dừa ép lạnh tùy theo nhu cầu khách hàng mà đóng khối lượng: 0,5 kg, 1kg, 5kg.
 
Tinh dầu dừa, nước  cốt dừa và nguyên liệu sau khi ép lạnh sẽ được đưa vào phòng sản xuất tinh dầu dừa và ủ trong điều kiện thích hợp với các thông số được tính toán trước. Sau một thời gian, thành phẩm thu được sẽ đưa qua hệ thống lọc và thanh trùng để chiết xuất lấy tinh dầu dừa. Tinh dầu dừa sẽ được đóng chai nhựa hoặc thủy tinh tùy theo thể tích mà khách hàng có nhu cầu.
 
HTX do anh Triển là chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc tuy mới được thành lập nhưng được thừa hưởng thế mạnh về kỹ thuật sản xuất máy móc cơ điện và hệ thống dây chuyền sản xuất của các thành viên. Vốn lưu động dự kiến cho 6 tháng vận hành hệ thống là 300 triệu đồng, cộng với chi phí đầu tư nhà xưởng sản xuất (ở phường Tân Hội) và máy móc thiết bị hơn 700 triệu đồng, tổng cộng mức đầu tư cho giai đoạn đầu khởi nghiệp là hơn 1 tỷ đồng.
 
Chia sẻ kế hoạch quảng bá sản phẩm, dịch vụ, anh Triển cho biết sản phẩm được quảng bá thông qua các kênh như: chợ, tiệm tạp hóa, bán hàng online, các nhà hàng quán ăn có nhu cầu, các tiệm Spa dùng dầu dừa chăm sóc da và tóc,... Đồng thời quảng bá sản phẩm thông qua hội nhóm kinh doanh, sản xuất, các chương trình hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm như: OCOP, hội doanh nghiệp, các mối quan hệ tạo dựng được từ  thành viên HTX,...
Thành phẩm tinh dầu dừa.
Thành phẩm tinh dầu dừa.
Từ các thông tin nghiên cứu và thu thập được, Triển thấy nhu cầu thực phẩm sạch hiện nay đang là một đề tài được bàn luận rất sôi nổi. Đây là một nhu cầu thiết thực theo thị hiếu tiêu dùng ngày càng phát triển. Bước đầu khởi nghiệp, nhóm thực hiện dự án cần quá trình để định danh, quảng bá thị trường. Nhưng cái được trước mắt theo Triển là, lợi ích về kinh tế và lợi ích cộng đồng bước đầu có được từ dự án này.
 
Ở đó là từ ưu thế nguồn dừa khô sẵn có từ địa phương, cộng máy móc thiết bị được trang bị, kinh nghiệm chế biến và sản xuất từ thành viên, tất cả điều này đã giúp HTX có thể cung cấp được sản phẩm chất lượng tự nhiên và giá thành đảm bảo ra thị trường. Bên cạnh đó tận dụng được các phế phẩm: chỉ xơ dừa, mụn xơ dừa, gáo dừa,...
Kết hợp tinh dầu nghệ và dừa, tinh dầu gấc và dừa.
Kết hợp tinh dầu nghệ và dừa, tinh dầu gấc và dừa.
Ở góc độ cộng đồng, HTX sẽ giúp người lao động địa phương có việc làm, phấn đấu phát triển cùng HTX, phát triển kinh tế gia đình nói riêng và kinh tế tập thể nói chung, đóng góp vào hệ sinh thái khởi nghiệp.
 
Bài, ảnh: MINH THÁI
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh