Khởi nghiệp từ ống hút tre

Cập nhật, 13:46, Thứ Năm, 14/04/2022 (GMT+7)

 

Công ty góp phần giải quyết lao động, nguồn nguyên liệu tại địa phương.
Công ty góp phần giải quyết lao động, nguồn nguyên liệu tại địa phương.

Với niềm đam mê, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Phạm Lê Đạt (xã Long Phú- Tam Bình) đã mạnh dạn tìm cho mình hướng đi riêng khá mới mẻ khi khởi nghiệp với sản phẩm “ống hút tre”.

Sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên này giúp bảo vệ môi trường, hạn chế dùng ống hút nhựa, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường hiện nay mà người tiêu dùng đang hướng tới.

Sản phẩm “xanh”, thân thiện môi trường

Nói về cơ duyên chọn tre là nguyên liệu khởi nghiệp, anh Phạm Lê Đạt chia sẻ: “Để góp phần bảo vệ môi trường, giới trẻ và người tiêu dùng cũng nâng cao ý thức hơn, hạn chế sử dụng đồ nhựa và kêu gọi “Nói không với ống hút nhựa”.

Cũng chính từ phong trào này, tôi đã lóe lên ý tưởng là tại sao mình không làm ra sản phẩm ống hút từ thiên nhiên thân thiện với môi trường để cạnh tranh với ống hút nhựa?

Với lý do đó, sau khi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản về, tôi đã tận dụng nguồn vốn tích lũy được và tìm tòi, nghiên cứu thị trường, quyết tâm khởi nghiệp từ sản phẩm “ống hút tre”.

Anh Đạt chia sẻ: Chọn tre vì có thể tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Đây cũng là hướng phát triển phù hợp với xu thế thị trường hiện nay. Đồng thời, sản phẩm còn tạo giá trị về tinh thần, có thể khơi dậy và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng.

Khởi nghiệp đã khó và khởi nghiệp với một sản phẩm khá mới mẻ lại càng nhiều khó khăn hơn. Theo anh Đạt, bên cạnh việc khó tìm nguyên liệu thì còn gặp khó về đầu ra sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường,…

Dù vậy, thuận lợi lớn nhất để khởi nghiệp, đối với anh Đạt, chính là sự ủng hộ hết mình từ phía gia đình, ý chí quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng.

Để giải quyết vấn đề nguyên liệu, anh Đạt đến tận vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk, Đắk Nông tìm tre, tìm người thu hoạch nguyên liệu để có nguồn nguyên liệu chất lượng, phù hợp và số lượng ổn định.

Theo anh Đạt, để làm ra ống hút tre chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, cần trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc nghiên cứu máy móc, sắp xếp công đoạn sản xuất đến hoàn thiện từng chi tiết ra sản phẩm.

Trong đó, khâu cắt và đánh bóng là khó và quan trọng nhất bởi quyết định chất lượng, tính thẩm mỹ của ống hút. Cầu kỳ, cẩn trọng trong từng công đoạn nên ống hút tre có thể tái sử dụng 3- 5 lần, tiết kiệm, thân thiện môi trường hơn.

Anh Đạt cho hay, từ đăng ký hộ kinh doanh (tháng 5/2020), chủ yếu là nghiên cứu, tạo sản phẩm và chào hàng, giới thiệu sản phẩm, sau 1 năm, Công ty TNHH Thương mại Eco Eco chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.

Sản phẩm ống hút tre có mùi thanh của tre, trúc rất đặc trưng nên được người dùng đón nhận, dù giá thành có cao hơn so với ống hút nhựa (hộp hút tre 10 ống có giá 36.000đ).

Bình quân mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường trên 240.000 sản phẩm ống hút tre, đối tác là quán cà phê, siêu thị, chuỗi cửa hàng,… Bên cạnh đó, công ty cũng đang chủ động tiếp cận thị trường qua kênh trực tiếp lẫn trực tuyến để quảng bá, giới thiệu sản phẩm được nhiều người biết đến hơn.

“Tôi mong muốn tạo thêm giá trị cho sản phẩm ống hút tre, khắc logo thương hiệu cho những đơn vị đối tác có nhu cầu. Và có thể bọc từng ống thành những bao riêng lẻ để phù hợp thị hiếu thị trường”- anh Đạt chia sẻ.

Nâng cao giá trị sản phẩm địa phương

 

Sản phẩm ống hút tre được nhiều người tiêu dùng biết đến và đón nhận vì tính thân thiện môi trường.
Sản phẩm ống hút tre được nhiều người tiêu dùng biết đến và đón nhận vì tính thân thiện môi trường.

Nhận thấy nhu cầu và tiềm năng thị trường ống hút tre, anh Đạt cũng dần mở rộng kinh doanh, nghiên cứu, đầu tư thêm máy móc để nâng chất lượng sản phẩm.

Công ty cũng đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động. Bên cạnh đó, người dân trồng tre trúc tại địa phương cũng bán được nguyên liệu, có thêm thu nhập. Hiện mỗi tháng công ty thu mua khoảng 40.000- 50.000 cây tre, trúc các loại, trong đó có 20% số lượng thu mua trong tỉnh.

Là người thu mua tre tại địa phương về giao cho công ty, anh Võ Thanh Toàn (xã Long Phú- Tam Bình), chia sẻ: “Từ khi có công ty sản xuất ống hút tre, tôi thu mua tre của người dân giao lại cho công ty.

Người trồng tre mừng, tôi cũng vui vì có thêm thu nhập, bình quân 1 tháng tôi thu mua khoảng 1.000-1.500 cây tre, trúc các loại, thu nhập từ 3,5- 4,5 triệu đồng”.

Nhà gần công ty, bạn Đỗ Phạm Trường Thanh- sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, cho biết: “Công ty thành lập là em xin vô làm lúc rảnh rỗi. Mỗi tháng em có thu nhập từ 3- 4 triệu đồng, đủ trang trải việc học và phụ giúp gia đình”.

Nhờ quyết tâm, đam mê khởi nghiệp, không ngừng học hỏi, nâng cao chất lượng, mẫu mã mà sản phẩm ống hút tre đã được chọn là một trong 7 sản phẩm tiêu biểu của huyện Tam Bình và tỉnh công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao trong năm vừa qua. Đây cũng là động lực lớn để công ty tiếp tục nỗ lực, phát triển hơn trong thời gian tới.

Về những định hướng trong thời gian tới, anh Đạt chia sẻ: “Hiện tôi cũng đang dự định mở rộng quy mô sản xuất tăng lên 3- 4 lần. Đồng thời tôi sẽ nghiên cứu những công nghệ mới để càng có nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Song song với ống hút tre, công ty cũng sẽ phát triển thêm những sản phẩm từ thiên nhiên có liên quan đến tre, trúc, cũng có thể là những sản phẩm bằng nguyên liệu khác hoàn toàn 100% tự nhiên, để bảo vệ sức khỏe và môi trường. Và trong tương lai, tôi ấp ủ mong muốn tìm đường xuất ngoại cho sản phẩm”.

Ông Đặng Hoàng Hiệu- Chủ tịch UBND xã Long Phú (Tam Bình), cho biết: “Đây là mô hình khởi nghiệp mới, đem lại hiệu quả tại địa phương. Ống hút tre là sản phẩm OCOP đạt 4 sao của địa phương và Đạt cũng là thanh niên khởi nghiệp sáng tạo. Sản phẩm có nhiều ưu điểm như: thân thiện với môi trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, đồng thời cũng góp phần tiêu thụ nguyên vật liệu, tạo nguồn thu cho những người trồng những nguyên liệu này. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô sản xuất”.

Bài, ảnh: THẢO LY