Dù thực hiện nghiêm, tuân thủ việc đi lại và siết chặt hơn số người được ra đường, các tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vẫn sát cánh bên nhau.
Dù thực hiện nghiêm, tuân thủ việc đi lại và siết chặt hơn số người được ra đường, các tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vẫn sát cánh bên nhau.
Các tình nguyện viên quận Tân Phú (TP.HCM) chuyển ngay bình oxy trong dự án ATM oxy đến bệnh nhân trên địa bàn quận - Ảnh: Q.L. |
Tất cả để thành phố khỏe hơn và trở lại trạng thái bình thường mới không chỉ như mệnh lệnh từ trái tim, mà trở thành phương châm hành động chung của tất cả các đội hình tình nguyện với cả ngàn bạn trẻ TP.HCM những ngày này.
Xuống từng xã, phường
Chị Thái Bảo Ngân (Quận đoàn 12) cho biết các tình nguyện viên sẽ được chọn từ chính các bạn trẻ tình nguyện tại từng phường, đến từng khu phố trong phường để đảm bảo không di chuyển khỏi địa bàn sinh sống song vẫn thực hiện nhiệm vụ như thời gian qua.
Thay vì tự tổ chức các hoạt động riêng của Đoàn, trong 2 tuần giãn cách nghiêm này, các bạn phối hợp cùng nhiều đoàn thể, ban ngành khác để tham gia hoạt động chống dịch chung tại địa bàn.
Ngoài việc hỗ trợ điều phối tại các điểm tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, thời gian này sẽ tập trung thực hiện an sinh xã hội, nhất là khi người dân không thể đi ra đường.
"Chúng tôi vẫn tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ từ nhiều nguồn, chuyển xuống phường. Nay sẽ có thêm việc phối hợp cùng quân đội đi chợ giúp dân, ưu tiên chăm lo cho người khó khăn trước, chuyển các túi an sinh từ thành phố kịp thời đến các gia đình cần hỗ trợ gấp" - chị Ngân nói.
Cũng làm các việc tương tự và ngay tại phường, song các bạn trẻ tình nguyện quận Tân Phú còn chú tâm vào chương trình đồng hành cùng F0 trên địa bàn quận. Anh Hoàng Quốc Liêm (Quận đoàn Tân Phú) cho biết chương trình nhằm hỗ trợ về mặt tinh thần, động viên các F0 đang cách ly điều trị tại nhà.
Các bạn có đường dây nóng tiếp nhận nhu cầu và kịp thời chuyển bình oxy trong dự án ATM oxy đến cho bệnh nhân.
Anh Quốc Liêm nói: "Với các F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, chúng tôi tư vấn các kiến thức theo hướng dẫn của ngành y tế trong quá trình họ điều trị tại nhà. Đồng thời theo dõi để khi bệnh nhân có chuyển biến, cần hỗ trợ cấp cứu sẽ liên hệ y tế, tìm cách can thiệp ngay.
Những việc này như biện pháp trấn an tinh thần, giúp bệnh nhân và người nhà bớt căng thẳng hơn trong điều kiện dịch bệnh và y tế quá tải hiện nay".
Trong khi đó, các tình nguyện viên tại TP Thủ Đức ngoài các công việc quen thuộc hơn 2 tháng qua sẽ tập trung hỗ trợ tại 66 trạm an sinh xã hội đặt ở 34 phường. Số trạm này, theo chị Nguyễn Thị Minh Hồng (Thành đoàn Thủ Đức), sẽ phân bổ tùy vào địa bàn phường rộng hay hẹp, dân đông hay thưa nên có phường chỉ một trạm nhưng có phường lại đến 2 hoặc 3 trạm an sinh xã hội.
"Các trạm tiếp nhận các túi an sinh từ thành phố chuyển xuống, qua khảo sát, nắm danh sách các hộ dân khó khăn cần hỗ trợ, tình nguyện viên sẽ phối hợp cùng tổ công tác đặc biệt gồm nhiều lực lượng tại mỗi phường để giúp bà con. Tinh thần là các bạn đều rất sẵn sàng, hoàn thành nhiệm vụ để người dân yên tâm trong điều kiện hiện nay" - chị Hồng chia sẻ.
Siết chặt kỷ luật
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM Dương Ngọc Tuấn cho hay đã phải giảm khoảng 40% tổng số suất mà bếp ăn của đơn vị này nấu mỗi ngày trong thời điểm hiện tại. Bếp đã đỏ lửa suốt thời gian qua, ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại thành phố. Hiện có khoảng 20 tình nguyện viên hỗ trợ cùng thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì bếp mỗi ngày.
Tuy nhiên, số bạn tình nguyện hỗ trợ bếp đến và đi về mỗi ngày lại đông hơn nhưng việc ra đường trong 2 tuần này bị siết lại nên các bạn không thể đến hỗ trợ.
"Chúng tôi buộc lòng phải giảm số lượng vì không đủ người để làm, hiện mỗi ngày nấu được hơn 3.000 phần, so với trước đây trên 4.000 phần/ngày, thậm chí có ngày cả 5.000 phần ăn cho người nghèo. Chưa kể việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng khó đi lại hơn trước, hơi khó cho hoạt động của bếp. Và tôi biết một số bếp khác đã phải dừng, chuyển qua tặng thực phẩm" - anh Tuấn nói.
Khảo sát tại một số quận, huyện, vẫn có một lực lượng tình nguyện viên sẵn sàng "3 tại chỗ" để làm nhiệm vụ, còn lại phần lớn đều ưu tiên chọn người ngay tại địa bàn để giảm bớt việc di chuyển, không ảnh hưởng đến công việc tình nguyện chung.
Hiện các đội hình tình nguyện từ cấp thành đến cơ sở vẫn đang thực hiện nhiều công việc quen thuộc như nhiều tháng qua khi tham gia cùng thành phố chống dịch.
Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải cho biết với quy định mới, việc cấp giấy đi đường có siết chặt hơn song không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của tình nguyện viên.
Một phần do nhiều đội hình đã quen với thực hiện nghiêm "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" sẵn từ trước nên vẫn duy trì các hoạt động vốn có, sao cho hoạt động hiệu quả trong điều kiện thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để việc phòng chống dịch đạt kết quả như kỳ vọng.
Thêm lực lượng cho cơ sở Cùng cơ sở chống dịch trong 2 tuần giãn cách với nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn, Thành đoàn TP.HCM đã cử một "biệt đội" công tác từ cấp thành về hoạt động tại cơ sở. Theo đó, mỗi đội sẽ có khoảng 10 thành viên là cán bộ cơ quan chuyên trách Thành đoàn và các trung tâm, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn phối hợp cùng cán bộ của Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM hỗ trợ tại TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. Anh Ngô Minh Hải cho biết các bạn sẽ thực hiện "3 tại chỗ" ở từng địa bàn trong thời gian thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội tại thành phố, dự kiến kéo dài đến 6-9. Cùng với các đoàn thể tại địa phương tham gia chống dịch, "biệt đội" này thực hiện các công việc như: điều phối, hỗ trợ tại các điểm tiêm vắc xin cho người dân, lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, phối hợp cùng các lực lượng phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu để kịp thời chăm lo, hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn... |
Theo Quốc Linh/Báo điện tử Tuổi Trẻ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin