Cơ hội khởi nghiệp mùa dịch bệnh

02:07, 08/07/2021

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, nhất môi trường khởi nghiệp của thanh niên. Chính vì vậy, các bạn trẻ muốn thành công, trụ vững qua mùa dịch này phải chọn đúng hướng đi cho riêng mình và nhu cầu của thị trường…

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, nhất môi trường khởi nghiệp của thanh niên. Chính vì vậy, các bạn trẻ muốn thành công, trụ vững qua mùa dịch này phải chọn đúng hướng đi cho riêng mình và nhu cầu của thị trường…

 Nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là cách thích ứng trong mùa dịch bệnh COVID-19
Nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là cách thích ứng trong mùa dịch bệnh COVID-19

Thách thức cũng là cơ hội

Dịch bệnh bùng phát trở lại, người dân dần quen với việc sử dụng các dịch vụ tiện ích, như: mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, người dân hạn chế ra đường, việc đi chợ mua hàng hay ăn uống chuyển sang đặt hàng giao tận nơi thông qua các dịch vụ giao nhận, nhanh chóng, tiện lợi. Ra đời từ cuối năm 2020, dịch vụ Student’s Driver do một nhóm sinh viên Trường Đại học An Giang sáng lập ra đã từng bước thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Mô hình Student’s Driver phục vụ ở 3 mảng: chở khách, shipper (giao hàng, mua hàng), xe ôtô (tự lái hoặc thuê tài xế), với đội ngũ thành viên là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Long Xuyên. Với giá cả phù hợp, trong 1-2 m đầu tiên mức phí 12.000 đồng, thêm 4.000 đồng cho km tiếp theo.

Là người khởi xướng và sáng lập mô hình, bạn Lê Quang Vinh (sinh viên năm thứ 3, ngành Việt Nam học, Trường Đại học An Giang) xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, lâu dài, đi từng bước đi chậm và chắc. Vinh cũng như các bạn đồng hành của mình không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, các ứng dụng hoạt động hiệu quả tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, như: Beamin, Loship… Hoạt động được một thời gian, mô hình Student’s Driver chú trọng về chất lượng nên hiện nay còn thành lập một tổ chăm sóc khách hàng để nhận những góp ý, phản hồi từ khách hàng để không ngừng cải thiện dịch vụ ngày một tốt hơn.

Ngoài việc in danh thiếp, các bạn còn lập Fanpage trên Facebook, Zalo như một kênh quảng bá, tiếp cận khách hàng. Với hàng ngàn lượt theo dõi, ngoài việc thường xuyên tuyển dụng nhân sự, các bài đăng trên Fanpage của Student’s Driver chủ yếu giới thiệu các địa điểm ăn, uống ở TP. Long Xuyên. Qua đó, giúp khách hàng có thể tìm được quán ăn ngon hoặc chỉ cần ngồi ở nhà và lựa chọn dịch vụ giao hàng của Student’s Driver.

“Trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng, ai cũng gặp khó khăn nhưng đối với ngành dịch vụ sẽ là cơ hội để phát triển. Không chỉ hoạt động ở TP. Long Xuyên, em còn hướng đến việc mở rộng mô hình Student’s Driver đến TP. Cần Thơ và một số tỉnh, thành phố khác. Bên em đang nhờ giảng viên khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học An Giang thiết kế một ứng dụng mang tên Student’s Driver giúp dễ quản lý; khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu liên hệ, kết nối sẽ dễ dàng hơn, mọi hoạt động sẽ đi vào hệ thống hơn”- Vinh chia sẻ.

Những bước đi chắc chắn

Chọn hướng đi đúng, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong kinh doanh, bạn Nguyễn Vũ Linh (xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là một trong những thanh niên khởi nghiệp thành công của tỉnh, với các sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt. Bắt đầu với mô hình làm tăm tre thủ công, dần dà Linh tìm hiểu, được hỗ trợ vốn đầu tư mở rộng quy mô cơ sở, kết nối với các cơ quan, ngành trong và ngoài tỉnh để làm các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ được khắc laser tinh xảo, giá cả cạnh tranh, như: tranh ảnh, kỷ niệm chương, ống đựng viết, móc khóa… Linh cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, chắc chắn ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng so thời gian trước.

Tận dụng thời gian này, Linh chuẩn bị cho các điểm bán hàng tại khu du lịch núi Cấm, phục vụ các sản phẩm mỹ nghệ, quà kỷ niệm đặc trưng ở địa phương cho du khách. “Hiện nay, tôi đang kết nối với Tổ phụ nữ làm đũa tre ở núi Cấm để làm các sản phẩm mỹ nghệ từ nguồn nguyên liệu tre ở địa phương. Khi đốn tre, các cô, chị sẽ sử dụng phần thân tre để làm đũa, phần đốt tre thì tôi sẽ sáng tạo thành những sản phẩm mỹ nghệ. Như vậy, thay vì bỏ đi nay sẽ phát huy tối đa giá trị của cây tre núi Cấm, giúp người dân có thêm thu nhập; thêm cơ hội để quảng bá những sản phẩm đặc trưng ở địa phương, để lại dấu ấn trong lòng du khách” - Linh chia sẻ.

Dịch bệnh sẽ được kiểm soát, các hoạt động của đời sống, kinh tế - xã hội sẽ dần đi vào quỹ đạo. Đây chính là thời gian để các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, nhất là các bạn thanh niên khởi nghiệp xây dựng được đội ngũ nhân sự, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tìm được cơ hội trong thách thức.

Theo Báo An Giang

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh