Nhà khoa học của nông dân

Cập nhật, 06:20, Chủ Nhật, 04/07/2021 (GMT+7)

Nhà Khoa học của nông dân

Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Thới ở Trà Ôn được thành lập do nông dân “Hai Lúa” Nguyễn Văn Thảo làm giám đốc với vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng cùng 17 thành viên.

Anh Nguyễn Văn Thảo trong lễ vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2020.
Anh Nguyễn Văn Thảo trong lễ vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2020.

Đây là mô hình sản xuất khép kín, đa dạng, công nghệ tương đối cao, đầu ra sản phẩm ổn định, nguồn lãi cho xã viên tăng đều.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã giao trên 30ha mặt nước để HTX triển khai mô hình du lịch xanh kết hợp với tham quan, thực hành nông nghiệp tại chỗ cùng thao tác tại các làng nghề rất hấp dẫn, dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2022, trong đó nông dân Nguyễn Văn Thảo là đầu tàu.

Anh Thảo kể: Vùng quê Thuận Thới này có tổng đàn bò rất lớn. Cạnh đó, người dân nông thôn còn cải thiện đời sống bằng việc chăn nuôi heo, gà vịt, dê... dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nông thôn diễn ra thường xuyên và ngày một nghiêm trọng bởi đa phần nguồn phân dư thừa bị thải trực tiếp xuống sông rạch.

Thêm vào đó trước xu thế phát triển giao thông nông thôn bằng đường bộ ngày càng nhiều dẫn đến việc đi lại bằng đường thủy thu hẹp dần, vì vậy các kinh mương bị lục bình phủ kín rất lãng phí.

Trước tình hình trên, HTX đã lựa chọn hướng đi phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể là quy trình khép kín: trồng lục bình- nuôi bò- sản xuất trùn quế, tận dụng tối đa nguồn cỏ hiện có rất dồi dào của địa phương.

Nông dân Võ Văn Thà (xã Thuận Thới) nhận xét: “Đây là mô hình khép kín rất thông minh của HTX này. Tất cả sản phẩm làm ra đều được tận dụng rất hợp lý để phát huy kinh tế đầu ra, vừa giải quyết được bài toán môi trường, vừa tăng thu nhập cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn”.

Chưa dừng lại ở đó, bản thân anh Nguyễn Văn Thảo còn trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho trên 1.000 nông dân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long với nhiều lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao.

Đặc biệt hơn, anh còn là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu thành phần hoạt chất và khả năng trừ sâu của dịch chiết cây dây cám” được nghiệm thu và đánh giá rất cao.

Đó là chưa kể đến đề tài “Nghiên cứu quy trình cải tạo bưởi Năm Roi bị suy thoái bằng phân hữu cơ và cỏ Vetiver” đã được áp dụng và còn rất nhiều đề tài khoa học khác.

Càng đáng trân trọng hơn khi bản thân anh Nguyễn Văn Thảo luôn nâng cánh cho rất nhiều sinh viên đam mê lĩnh vực nông nghiệp, anh luôn lăn xả với các bạn trẻ, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, lắng nghe, tiếp nhận những kinh nghiệm hay, bổ ích.

Đặc biệt hơn anh còn giúp đỡ rất nhiều người bị khuyết tật, khó khăn trong cuộc sống thông qua việc tư vấn kỹ thuật, cho vay vốn không tính lãi, bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra.

Anh Thảo ở trang trại nuôi bò Pháp của HTX Thuận Thới.
Anh Thảo ở trang trại nuôi bò Pháp của HTX Thuận Thới.

Sau 3 năm thành lập, mỗi năm HTX Thuận Thới đã có lãi trên 400 triệu đồng/năm, số tiền bước đầu rất có ý nghĩa và sẽ tăng cao trước rất nhiều tín hiệu thuận lợi.

Bình quân mỗi năm HTX xuất bán trên 2,5 tỷ đồng tiền phân trùn quế, riêng đàn bò Pháp của HTX đã tăng lên 15 con, dự kiến năm 2021 mang về nguồn lãi trên 500 triệu đồng.

HTX Thuận Thới còn hợp đồng thiết kế chuồng trại nuôi bò Pháp, trùn quế, tư vấn kỹ thuật cho khách hàng rất chu đáo nên rất được tín nhiệm.

Nặng lòng với Trường Sa

Tiếp chuyện với chúng tôi trong nông trại xanh mát, giám đốc trẻ- Ths. Nguyễn Văn Thảo (31 tuổi) bộc bạch rất chân tình: “Không hiểu sao từ tấm bé tôi lại có rất nhiều tình cảm với Hoàng Sa, Trường Sa.

Từ đó tôi tâm niệm phải làm điều gì đó để bộ đội Trường Sa bớt vất vả, thiếu thốn. Mãi đến năm 2018, ước mơ ấy mới được thực hiện”.

Anh Thảo ở Trường Sa năm 2018.
Anh Thảo ở Trường Sa năm 2018.

Công trình đặc biệt mà anh Thảo nhắc đến là Dự án thử nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ tại các đảo của Trường Sa do Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam chủ trì với mục đích ứng dụng công nghệ mới trong trồng trọt và nâng cao năng suất, chất lượng rau xanh, cải thiện đời sống bộ đội.

Sau rất nhiều thời gian tìm tòi thử nghiệm, dự án của thạc sĩ trẻ đất Vĩnh Long Nguyễn Văn Thảo thành công ngoài mong đợi.

Anh Thảo kể thêm: “Rau xanh ở Trường Sa cực kỳ quý hiếm, ra đó rồi mới thấy sự thiếu thốn của bộ đội, bình quân mỗi chiến sĩ chỉ được ăn rau xanh 8/30 ngày, thời gian còn lại phải dùng rau khô.

Từ đó tôi đã nghĩ đến việc mang 10 tấn phân hữu cơ sản xuất từ trùn quế, phân bò, lục bình từ quê nhà ra đó trồng rau để tăng nhanh năng suất, cải thiện bữa ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh, sức khỏe cho bộ đội.

Ngoài ra, tôi cũng đã trồng thành công loại cỏ Vetivev chống sạt lở bờ biển rất hiệu quả. Từ đó tôi có thêm cái tên “Thảo Trường Sa”. Anh kể.

Riêng năm 2020, anh Thảo đạt cùng lúc 3 giải thưởng danh giá cấp quốc gia: “Nhà khoa học của nhà nông”; “Giải thưởng Lương Định Của”; “Bằng sáng tạo khoa học kỹ thuật” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Đó là chưa kể đến rất nhiều bằng khen cấp Trung ương khác.

Bài, ảnh: SONG ANH