Kỳ 2: Cống hiến tri thức xây dựng quê hương

07:03, 27/03/2021

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Thanh niên là rường cột nước nhà". Để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác, tuổi trẻ hôm nay đã và đang ra sức học tập, trau dồi kiến thức về mọi mặt, thi đua lao động sáng tạo, tích cực tiếp cận những tiến bộ thời đại và đem hết tài năng, trí tuệ cống hiến cho quê hương ngày càng phát triển, hiện đại.

 

>> Kỳ 1: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”

 

Đoàn viên thanh niên tỉnh nhà đã và đang thi đua học tập, lao động, nghiên cứu sáng tạo.
Đoàn viên thanh niên tỉnh nhà đã và đang thi đua học tập, lao động, nghiên cứu sáng tạo.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột nước nhà”. Để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác, tuổi trẻ hôm nay đã và đang ra sức học tập, trau dồi kiến thức về mọi mặt, thi đua lao động sáng tạo, tích cực tiếp cận những tiến bộ thời đại và đem hết tài năng, trí tuệ cống hiến cho quê hương ngày càng phát triển, hiện đại.

Học tốt, lao động giỏi để phụng sự Tổ quốc

Các phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ luôn đạt được nhiều kết quả và tạo dấu ấn sâu đậm trong đời sống xã hội. Trên nhiều lĩnh vực, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động vươn lên và không ngừng đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Nếu muốn trở thành công dân tốt, hữu dụng thì ngay bây giờ phải học tập thật nghiêm túc. Với suy nghĩ ấy, sinh viên Dương Hằng Ni (Trường ĐH Cửu Long) đã cố gắng đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện và danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” là kết quả của sự nỗ lực ấy. Hằng Ni cho biết: “Em vẫn phải không ngừng phấn đấu nhiều hơn nữa”.

Anh Tô Ngọc Luật (đứng giữa) không ngừng tìm tòi cho ra đời những công trình, đề tài có giá trị.
Anh Tô Ngọc Luật (đứng giữa) không ngừng tìm tòi cho ra đời những công trình, đề tài có giá trị.

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ học tập, ĐVTN còn biết nghiên cứu, sáng tạo làm nên bức tranh nhiều màu sắc cho tuổi trẻ. Tốt nghiệp ĐH với thành tích nổi trội, anh Tô Ngọc Luật (ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) được giữ lại trường giảng dạy. Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, anh đã không ngừng tìm tòi cùng với đồng nghiệp cho ra đời những công trình, đề tài có giá trị.

Trong đó phải kể đến mô hình “Hiệu chỉnh động cơ giao tiếp với máy tính” đã đạt giải ba hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2019. “Mô hình ứng dụng vào thực tế đã giúp cho việc giảng dạy hiệu quả hơn, sinh viên tiếp thu kiến thức nhanh hơn, có thể dễ dàng tìm hiểu và chẩn đoán trực tiếp động cơ trên ô tô”- anh giới thiệu.

Nếu như ĐVTN khối trường học tham gia tích cực “Dạy tốt, học tốt”, thì ĐVTN khối công chức, viên chức đạt nhiều kết quả nổi trội trong tham gia cải cách hành chính và đi đầu trong “Tuổi trẻ sáng tạo”.

Mỗi năm, ĐVTN khối này đã đăng ký và thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên, đề tài nghiên cứu khoa học làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Anh Nguyễn Hoàng Ân (đoàn viên Công ty Điện lực Vĩnh Long) với sáng kiến “Sửa chữa dao cắt tụ trung thế”, tiết kiệm kinh phí hơn 320 triệu đồng.

Trong khi đó, phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp bằng chính bàn tay, khối óc dám nghĩ dám làm với nhiều mô hình kinh tế trăm triệu chính là “đặc sản” của ĐVTN nông thôn. Như chị Lê Ngọc Hiền (phường Trường An- TP Vĩnh Long), với vỏn vẹn 1.000m2 đất nông nghiệp, chị đã thu về hàng trăm triệu đồng khi khởi nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài sản phẩm chính là dưa lưới, chị còn trồng dưa leo baby, cà chua… để khách đến tham quan và thưởng thức trái tại vườn. Bằng cách đổi mới, sáng tạo mô hình này đã mang lại “trái ngọt” và “mở hướng đi mới cho nông nghiệp đô thị”- chị chia sẻ.

“Chất xám” làm lợi cho dân

Sau khi bảo vệ luận văn thạc sĩ Công nghệ sinh học, anh Nguyễn Văn Thảo- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới (xã Thuận Thới- Trà Ôn) đã quyết tâm trở về địa phương tiếp tục nghiên cứu mô hình nuôi trùn quế phục vụ cho canh tác nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.

“Mô hình nuôi trùn này đã được nghiên cứu ứng dụng thành công và nhân rộng cho nhiều nông dân trên địa bàn nâng cao thu nhập”- anh phấn khởi nói.

Trước nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của xã nông thôn mới, năm 2015, anh thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới.

Ngoài tăng cường sản xuất các dòng phân hữu cơ cung cấp thị trường, nâng cao đời sống của xã viên, anh còn tập trung thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng các mô hình nông nghiệp khép kín. Anh còn tập huấn và chuyển giao kỹ thuật mô hình nuôi trùn quế trong sản xuất nông nghiệp cho trên 1.000 nông dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Ứng (xã Thuận Thới) cho hay, từ lúc có trại trùn quế mà gia đình ông lợi nhuận “được 2 đầu” là có chỗ thu mua phân bò và lấy trùn quế vỗ béo cho bò mau lớn.

Dù “giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đổi mới tư duy sản xuất của người dân” nhưng anh Nguyễn Văn Thảo vẫn luôn dặn lòng “sẽ nỗ lực để làm được những điều mới mẻ nữa, đem lại lợi ích cho bà con”.

Là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, mỗi mùa hè đến là đội hình chuyên xây dựng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây lại bắt đầu hành trình mang kiến thức chuyên môn hỗ trợ xây nhà, làm đường giao thông nông thôn… mang đến niềm vui cho bà con nông thôn. Theo sinh viên Bành Thanh Toàn (ngành kỹ thuật xây dựng) thì “còn gì vui hơn khi được đem kiến thức làm việc hữu ích”.

Trong khi đó, ĐVTN Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp- PTNT) không ngại nắng mưa, đường sá xa xôi về địa bàn nông thôn người dân địa phương phát triển kinh tế. Hàng năm, ĐVTN tham gia hàng chục lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, sản xuất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và đông đảo người dân.

Đoàn viên thanh niên còn nhạy bén, đón đầu trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đoàn viên thanh niên còn nhạy bén, đón đầu trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Gần đây nhất là tham gia thực hiện dự án “Củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long”, các anh em đã về các xã, đến tận nhà dân để tập huấn; rồi ra ruộng tổ chức hội thảo đầu bờ, thu mua giống nguyên chủng… đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh cho lúa gạo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nông dân.

Dù có phần vất vả nhưng mang “chất xám” phục vụ nhân dân, các bạn xem đó như là lẽ tự nhiên. Bởi nói như anh Tiến Anh: “Người trẻ có kiến thức mà giữ cho riêng mình thì uổng phí lắm. Thêm nữa, mình phải có nhiệm vụ phục vụ để làm giàu cho bà con quê mình chứ”.

Thi đua học tốt, chỉ riêng năm học 2019- 2020, có trên 1.200 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp. Trong phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, đến nay tuổi trẻ có trên 10.500 ý tưởng, sáng kiến được đề xuất mới trên Ngân hàng Ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam; hàng năm có hàng ngàn sản phẩm tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.

>> Kỳ cuối: Bổ sung nguồn nhân lực trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” cho Đảng

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh