Trang viết xanh

"Làm gì có thứ... mai?"

Cập nhật, 06:26, Thứ Sáu, 08/01/2021 (GMT+7)

(VLO) Tuổi trẻ chúng ta dễ dàng mắc phải thói quen trì hoãn công việc. Khi đứng trước căn phòng bừa bộn, trong đầu đã xuất hiện hai từ “dọn dẹp” không biết bao nhiêu lần nhưng rồi lại nghĩ thôi để hôm sau lại làm.

Thay vì tập trung dồn hết tâm trí cho công việc đang cần được hoàn thành gấp để kịp hạn nộp thì bản thân lại loay hoay với những việc nhỏ nhặt khác như nhắn tin, lướt Facebook, xem Youtube, ngồi lọc email, xem cho hết tập phim truyền hình còn dang dở...

Vậy là, công việc bị trì hoãn sang một buổi khác, “để mai làm” hoặc thậm chí là “nước tới chân mới nhảy”.

Dường như bản thân chúng ta đang cố lừa dối rằng còn nhiều thời gian để hoàn thành công việc. Dù có bị “deadline dí sát” thì cũng cho rằng đó sẽ là thuận lợi vì nghĩ mình sẽ làm việc năng suất hơn dưới áp lực lớn.

Làm chuyện này một ít, thứ kia một ít, làm việc kia trước và cho tới khi muộn màng thì mới bắt đầu tá hỏa làm cái việc mà đáng ra phải làm từ lâu lắm rồi.

Thói quen trì hoãn công việc có thể mang đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của tuổi trẻ khi nó tạo nên tâm lý ỷ lại, lười biếng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả của công việc.

Trì hoãn công việc đôi lúc còn khiến cho chúng ta bỏ lỡ những cơ hội, điều kiện tốt để phát triển, khẳng định giá trị của bản thân và hơn hết còn ảnh hưởng tới cả sức khỏe tinh thần, thể chất.

Tuổi trẻ của chúng ta là những tháng năm đẹp nhất của thanh xuân, có nhiều chông chênh mà cũng nhiều hoài bão. Thanh xuân rực rỡ hay úa tàn là do chính bản thân ta quyết định.

Chính vì thế, đừng để sự trì hoãn công việc mang chúng ta đi xa hơn với những gì ta mong muốn có được, đừng để những mục tiêu mãi mãi chỉ nằm trong kế hoạch…

Như blogger trẻ Fususu đã từng chia sẻ về câu nói trì hoãn “Để mai làm” của phần lớn các bạn trẻ: “Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu và chủ nhật. Làm gì có thứ gì là thứ mai?” Cho nên, muốn làm gì hãy bắt đầu ngay hôm nay bạn nhé!

AN CHI