Đam mê cây dược liệu

Cập nhật, 21:13, Thứ Năm, 14/01/2021 (GMT+7)

 

 Thuận đạt giải với những sáng tạo của mình trong thực hiện dự án vườn thuốc nam online
Thuận đạt giải với những sáng tạo của mình trong thực hiện dự án vườn thuốc nam online

Đam mê cây dược liệu, bạn Nguyễn Văn Thuận (sinh viên ngành bảo vệ thực vật, Trường Đại học An Giang) đã nghiên cứu, thực hiện dự án Vườn thuốc nam online (VTNO). Đây là dự án phi lợi nhuận, với mục đích bảo tồn và đưa mọi người đến gần hơn với cây dược liệu.

Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 9-2019, bắt đầu từ việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) vườn thuốc nam, hoạt động trong khuôn viên của trường, thu hút khoảng 60 tình nguyện viên tham gia. Chính bản thân slogan của dự án VTNO phần nào nói lên được mục đích của dự án: “Hãy bảo tồn chúng tôi như một loại đá quý”. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu, Thuận và những người bạn đã bắt tay vào việc tìm hiểu nguồn gốc, công dụng của hơn 1.000 cây dược liệu, tiến hành nhập liệu, phân loại, đánh giá và nung nấu ý tưởng, cho ra mắt bản thiết kế với nhiều đặc điểm ưu việt.

Bản thiết kế này đã được trao giải “Sản phẩm được yêu thích nhất” trong “Cuộc thi sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP lần I-2020”. Không dừng lại ở việc thiết kế bảng tên, gắn lên từng cây thuốc trong vườn như truyền thống ở những vườn thuốc nam từng làm, Thuận còn xây dựng cơ sở dữ liệu, viết mã QRcode cho từng loại cây thuốc, giúp cho việc tra cứu nhanh chóng và tiện lợi. Bên cạnh đó, Thuận còn xây dựng được website riêng: vtno.org cho vườn thuốc nam của mình.

Ngành học của Thuận là bảo vệ thực vật nên bổ trợ cho em rất nhiều trong quá trình ươm giống, chăm sóc. Tuy nhiên, khi thực hiện việc xây dựng dữ liệu cho ứng dụng, thiết kế mã QR code, Thuận đã bỏ ra rất nhiều công sức để tiếp cận, nghiên cứu tạo ra cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh. “Những hoạch định ban đầu của em khi phát triển dự án theo hướng phi lợi nhuận, chủ yếu  là thiết kế và lắp bảng tên cây thuốc nam để lắp đặt ở các cơ sở đông y, trường học...

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển em phát hiện thêm nhiều vấn đề  mới về cây dược liệu cần giải quyết nên em lên ý tưởng thiết kế “Ảnh triển lãm” và tham gia cuộc thi “Sinh viên với sở hữu trí tuệ” và đạt giải. Điều đó càng giúp em có thêm động lực để nghiên cứu thực hiện, mang cây thuốc đến thật gần với mọi người” - Thuận chia sẻ.

Thay vì những bảng tên truyền thống, Thuận xây dựng dữ liệu số về thuốc nam, lập trình 2 mã QR code online (kết nối mạng) và offline (không kết nối mạng). Đối với offline, với mỗi lần quét sẽ giới hạn trong 300 chữ, là những thông tin cơ bản và cần thiết nhất. Tiện lợi nhất của việc quét QRcode là bất kỳ ứng dụng nào có sử dụng chức năng quét mã QRcode, như: Zalo, Facebook... người dùng chỉ cần mở Camera có trên điện thoại thông minh và quét.

Theo đó, người dùng quét mã online mất tối đa khoảng 3 giây để thông tin hiển thị các dược tính, vị trí địa lý, hình ảnh liên quan, những trích dẫn từ những đầu sách có uy tín hoặc phản hồi như vậy sẽ dễ dàng cung cấp cho người dùng. Nhanh chóng và mang nhiều tiện ích, tối ưu hóa trong việc quản lý những cây thuốc trong vườn, cung cấp những thông tin về dược tính, độc tính của những cây thuốc thông dụng nhất.

Hiện nay, CLB vườn thuốc nam đã trồng trên 100 loại cây dược liệu trên diện tích 1.500m2, đều đặn 1-2 tháng, Thuận cùng với các bạn sưu tầm thuốc mới về trồng bảo tồn. “Chúng em trồng chủ yếu là những cây bản địa ở đồng bằng, còn trên núi tuy có nhiều dược liệu quý hiếm nhưng khó sống với điều kiện ở đồng bằng và giảm thành phần dược liệu” - Thuận giải thích.

Trong vườn thuốc nam, Thuận và các bạn đã sưu tầm được một số loại dược liệu quý, như: sâm bố chính, mật nhân, sâm đất, sâm đại hành... Đối với những cây dược liệu trồng được với số lượng nhiều, mỗi lần thu hoạch, các bạn trong CLB vườn thuốc nam chở đến các nhà thuốc nam trên địa bàn tỉnh để quyên tặng.

“Em mong muốn, bằng khả năng của mình có thể tạo ra không gian mở, giúp các bạn học sinh, sinh viên và người dân có cái nhìn toàn diện hơn, hiểu đúng giá trị về các cây thuốc nam. Mọi người hãy hiểu và trân quý nó, bảo tồn cây dược liệu như một loại đá quý để cây dược liệu ngày càng phát triển, phát huy dược tính của mình” - Thuận bày tỏ.

Theo Báo An Giang