Sinh viên (SV) tự tin để khẳng định mình trong cuộc sống, trong công việc hay qua các kỳ thi; tuy nhiên, tự tin không có nghĩa là tự cao, tự cho mình là giỏi! Đó là những trăn trở của không ít nhà tuyển dụng thường nhắc đến khi nói về SV hiện nay.
Sinh viên tự tin để khẳng định mình trong cuộc sống. |
Sinh viên (SV) tự tin để khẳng định mình trong cuộc sống, trong công việc hay qua các kỳ thi; tuy nhiên, tự tin không có nghĩa là tự cao, tự cho mình là giỏi! Đó là những trăn trở của không ít nhà tuyển dụng thường nhắc đến khi nói về SV hiện nay.
Tự tin để đạt kết quả cao hơn
Căn bệnh “thiếu tự tin” là bệnh chung của không ít SV hiện nay. Dễ thấy sự thiếu tự tin của SV trong các buổi tọa đàm với doanh nghiệp hay các buổi tư vấn giới thiệu việc làm tại trường, các kỳ thi,… Và sự thiếu tự tin này ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả học tập, việc làm của các em.
SV Trần Khánh Văn- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- đạt Huy chương vàng trong kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2020 với nghề sơn ô tô. Dù đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc thi nhưng khi gặp đối thủ “nặng ký” vì “anh đó đi làm nghề sơn ô tô mấy năm rồi mới quay lại đi học” thì Khánh Văn cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin. Văn nói: “Những phút đầu em hơi khớp và bị ảnh hưởng, sau đó thì dần tốt hơn”.
Hãy tự tin bày tỏ quan điểm, tự tin tham gia các hoạt động để rèn luyện kỹ năng mềm. |
ThS. Cao Văn Thi- Trường ĐH Cửu Long- người “cao tay” trong hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng nhiều năm liền- chia sẻ: “Cái khó của tôi là làm sao cho SV tự tin đi thi”. Khi tham gia các kỳ thi lớn mang tầm quốc gia, khu vực thì SV tỉnh thường thua kém về vấn đề tự tin. Các em thường rụt rè và bị khớp khi trình bày đề tài hoặc dễ bị ảnh hưởng tâm lý bởi những người dự thi chung, xuất thân từ các trường ĐH lớn.
ThS. Cao Văn Thi chia sẻ: “Tôi nghĩ vấn đề của giảng viên là khích lệ SV nghiên cứu khoa học, cho các em say mê những môn học của mình. Khi đã có đủ vốn kiến thức và kỹ năng thì mạnh dạn dự thi, bỏ đi tâm lý e dè khi dự các kỳ thi lớn”.
Thực tế chứng minh rằng, những SV trường tỉnh, trường khu vực, trường không thuộc hệ thống ĐH Quốc gia vẫn làm nên tên tuổi ở các kỳ thi.
Sự lúng túng, rụt rè, e ngại gây bất lợi cho SV trong quá trình ứng tuyển vào các vị trí công việc cũng như xây dựng, phát triển mạng lưới quan hệ. Tự tin là cái gốc để người trẻ thành công trong cuộc sống. Vào đời nếu không có sự tự tin thì ngay phỏng vấn tuyển dụng cũng nhiều phần bị loại. Sự tự tin chỉ có được khi các bạn học hành tốt, có điều gì đó đủ để làm vốn mình.
Đừng tự cao
Không tự tin khi đi xin việc hay tham gia các kỳ thi nhưng không ít SV lại tự đề cao năng lực của mình. Anh Nguyễn Thanh Hiền- Quản lý chi nhánh Vĩnh Long của Công ty TNHH 1TV Cơ khí công nghiệp Sài Gòn- Mê Kong cho biết: “Sau một thời gian tuyển dụng, tôi thích tuyển SV CĐ hơn ĐH, vì đa số các em học ĐH nghĩ rằng họ cao hơn các bạn CĐ và phải được làm việc trong phòng máy lạnh thay vì xuống xưởng”.
Nhiều công ty, doanh nghiệp không có sự phân biệt giữa bằng ĐH hay CĐ, vấn đề họ quan tâm là bạn có làm được việc hay không? Anh Hiền nói thêm: “SV mới ra trường cần được trải nghiệm để học tập nên bỏ tâm lý hơn người khác và phải được ưu tiên”. Không ít SV ĐH hiện nay thất nghiệp vì kén việc, không chấp nhận đi lên từ những công việc như tiếp thị, cộng tác viên,... công việc khó, xa xôi thì không dám nhận.
Tại buổi chia sẻ giữa doanh nghiệp và SV, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV- chia sẻ: “Công ty chúng tôi nhận SV vào thực tập hàng năm và không ít SV bị tôi đuổi về vì thái độ kém quá. Ban đầu thì còn đúng giờ, sau thì đi trễ về sớm, vô là bấm điện thoại không ngừng!”
Sinh viên cần chuẩn bị sẵn sàng kiến thức kỹ năng, học đi đôi với hành để tự tin hơn trước những thử thách. |
Bước chân vào bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào thì ngoài trình độ, học sinh, SV phải có thái độ nghiêm túc làm việc và phải chấp nhận công việc có thể đi từ những khâu đơn giản nhất. Ông Nguyễn Thanh Việt- Công ty TNHH 1TV Bánh Nhật Ngọc- cho rằng: “SV hiện nay thiếu tự tin nhưng ngược lại có cái tôi rất lớn. Doanh nghiệp thường xem bạn có chịu khó, chịu học hỏi cái mới hay không? Nhưng có những SV ngành công nghệ thực phẩm đến năm cuối rồi mà không biết nhồi bột”.
Phối hợp với nhà trường trong đào tạo và giải quyết việc làm là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, các trường cần khắt khe hơn trong đào tạo SV, không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử,…
Thiết nghĩ, trong bối cảnh công nghệ hiện nay, SV cần sớm chủ động xác định tâm thế cho công việc tương lai, từ đó rèn luyện những phẩm chất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thị trường, bổ sung cho những kiến thức từ giảng đường.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin