Với niềm đam mê và quyết tâm tìm tòi, học hỏi, chàng trai sinh năm 1993- Phạm Phước An (ấp Thanh Thủy, xã An Phước- Mang Thít) khởi nghiệp chỉ với 10 triệu đồng làm vốn trồng hoa lan rừng. Chỉ trong vòng 3 năm, vườn lan của anh đã có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Với niềm đam mê và quyết tâm tìm tòi, học hỏi, chàng trai sinh năm 1993- Phạm Phước An (ấp Thanh Thủy, xã An Phước- Mang Thít) khởi nghiệp chỉ với 10 triệu đồng làm vốn trồng hoa lan rừng. Chỉ trong vòng 3 năm, vườn lan của anh đã có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Phạm Phước An bên vườn lan ở Quận 8- TP Hồ Chí Minh. |
Khởi nghiệp từ đam mê
Bắt đầu yêu thích hoa lan từ những năm học cấp 3 ở quê hương Mang Thít. Sau giờ lên lớp, anh Phạm Phước An dành phần lớn thời gian tìm tòi, “ngắm nghía” những cây lan trên Internet.
Phước An cười, chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, ra trường làm quản lý công trình xây dựng nhưng tôi lại chọn gắn bó với vườn lan mà thích nhất là lan rừng, đam mê nghiên cứu trồng và lai tạo các loại lan đột biến. Tới bây giờ nếu lựa chọn lại, tôi vẫn chọn vườn lan”.
Cô Trương Thị Thanh Loan- mẹ của Phước An- kể: “Từ hồi học cấp 3 thì An đã trồng được hoa lan ở nhà, đi học về là lại chạy ra vườn lan”. Cô Loan chỉ những dò lan lớn nhỏ treo đầy vườn: “Đó, giờ mỗi lần về quê thì con tôi lại tìm thân cây, phiến lá cấy cấy, ghép ghép suốt, rồi trách mẹ “bỏ rơi mấy cục cưng của con không chăm sóc”.
Cô Loan nhớ có lần trộm vào vườn lấy đi mấy chậu lan, An buồn thiu nhưng rồi cũng tiếp tục gầy giống, trồng lan rừng tiếp. Cô Loan cho biết: “Hồi mới đi làm thì làm ra bao nhiêu tiền con đều đổ hết vào mua lan, tui thấy mà xót ruột. Mới đầu tui cũng cản nhưng thấy con đam mê, cũng dần tự làm chủ được thu nhập nên phải ủng hộ thôi”.
Năm 2014, khi còn là sinh viên năm cuối, An được người anh tận vùng Tây Bắc nhờ tìm mối bỏ lan phía Bắc vào, Phước An mon men đến các cửa hàng bán lan tại TP Hồ Chí Minh chào hàng giúp anh và cũng tập tành làm quen với những cành lan rừng để tư vấn khách hàng.
Để có vốn bước đầu, Phước An làm đủ mọi công việc để tích góp tiền. Bán hoa, bán bóng bay trong ngày lễ rồi chạy xe ôm, làm thêm trong căng tin trường, giao hàng,... việc nào anh cũng không ngại.
Phước An gặp may khi đang trong lúc loay hoay tìm nguồn vốn và đất vườn để trồng lan thì gặp một người bạn tên Hải (sinh năm 1990), cũng đam mê lan nhưng chưa có điều kiện thực hiện ước mơ là nhân giống lan rừng. Cơ duyên để họ gặp nhau giống như “cá gặp nước”. Vườn lan An Hải ra đời khi An chuyên về marketing kinh doanh, còn Hải am hiểu kỹ thuật trồng trọt, nhân giống.
Sau vài tháng miệt mài, tích lũy, An có được 10 triệu đồng làm vốn, có đất ở nhà Hải để lập vườn, An mạnh dạn lấy lan rừng từ người anh ở Tây Bắc đem về trao đổi, bán tại nhà.
Lúc đầu vườn lan có chưa tới 60 chậu với một số loài lan rừng Tây Bắc và Tây Nguyên. Sau đó, mở rộng thị trường, An lặn lội ra Tây Bắc, vào TP Hồ Chí Minh, lên Gia Lai, Đăk Nông học hỏi trao đổi kinh nghiệm với lớp đàn anh đi trước để về nhân rộng vườn lan.
Thời gian đầu “tự lực cánh sinh”, họ gặp rất nhiều khó khăn. Anh Phước An kể: “Có lần khách hàng đến trả giá chậu giả hạc daklei mặt bông đẹp với giá vài triệu đồng nhưng tôi chưa bán thì tối đó mưa to, lan bị thối nhũn… rồi ngày sau tự nhiên lan héo chết, tôi buồn muốn khóc”.
Nhưng không nản chí, anh cho đó là một trải nghiệm cũng là một bài học kinh doanh. Những lần mải việc, quên thời gian, quên luôn bữa trưa, bữa tối, mới thấy đam mê với nghề kinh doanh, đam mê với lan ngày một lớn trong An.
Kết nối để tạo nên sức mạnh
Lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, vườn lan của anh Phước An tọa lạc tại Quận 8. Vườn lan nằm trên sân thượng tòa nhà tuy không lớn nhưng được trao đổi, luân chuyển thường xuyên nên luôn mới mẻ.
Vài trăm dò lan rừng lớn nhỏ trong một không gian đầy màu sắc với trên 60 chủng loại khác nhau: trúc phật bà, giả hạc, trầm, kèn, trúc mành Kon Tum, thủy tiên dẹt, hoàng lan, lan dã hạt đột biến… Có loại đơn thân trồng dò, loại thì thân thòng treo ngược hay những loại ghép lũa tinh tế với những nét riêng mê hoặc người xem.
“Giờ nghề kinh doanh gắn chặt với đam mê lan rừng muốn dứt cũng không ra được”- anh Phước An cho biết. Qua các diễn đàn hoa tổ chức ở các tỉnh hay một số khu vực lân cận, anh nắm lấy cơ hội để mang lan đi giới thiệu, từ đó nhiều khách hàng biết đến, liên hệ đặt hàng.
Sau tết là thời gian lan nghỉ dưỡng để bung hoa. Tháng 3, bắt đầu vào mùa lan rừng rộ hoa, chăm sóc lại càng thêm vất vả với cả trăm việc không tên nhưng trên môi chàng trai trẻ vẫn luôn nở nụ cười mãn nguyện với những thành công bước đầu. Hiện tại, trừ chi phí công chăm sóc, phân bón, một năm vườn lan An Hải cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Muốn lan phát triển tốt thì khâu kỹ thuật và quy trình chăm sóc cần được đặc biệt chú trọng. Ngoài 3 yếu tố cơ bản là độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng thì yếu tố quan trọng không kém đó chính là tình yêu đối với hoa lan.
Chậu lan Dentro chớp chuồn xuất xứ Singapore |
Tình yêu hoa, sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và nuôi ước mơ làm giàu từ hoa, anh Phước An “sống” được từ vườn lan và dần tạo thương hiệu cho vườn lan của mình. Phước An cho biết: “Tôi định một vài năm tới về An Phước làm vườn lan rừng. Đi đâu cũng không quên về quê mình phát triển”.
Đối với Phước An, trồng lan là một đam mê, đặc biệt là trồng và lai tạo lan rừng. Trồng lan để thực hiện đam mê, chia sẻ với những người cùng sở thích, làm đẹp không gian cho mỗi ngôi nhà. Trồng lan cũng là cách chăm chút, nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Phạm Phước An chia sẻ: “Nếu các bạn trẻ đam mê, muốn theo nghề thì phải chịu khó học hỏi ở nhiều nhà vườn trồng lan, đúc kết kinh nghiệm chăm sóc, trị bệnh cho cây. Tìm hiểu các giống lan từ cơ bản đến các loại cây đột biến và những loại hiếm khác. Quan trọng là biết tên, hiểu ưu- nhược điểm của từng giống. Lúc đầu chỉ nên chọn một loại để không bị rối và sau này mới trồng nhiều loại khác”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin