Độc đáo trà mãng cầu xiêm!

Cập nhật, 14:24, Thứ Sáu, 07/06/2019 (GMT+7)

 

Trà mãng cầu thành phẩm do anh Nam và mẹ chế biến
Trà mãng cầu thành phẩm do anh Nam và mẹ chế biến

Với mong muốn mở rộng đầu ra cho trái mãng cầu gai (mãng cầu xiêm), anh Hồ Thanh Nam (sinh năm 1991, ngụ ấp Hòa Phú, xã Định Thành, Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã chế biến thành công một sản phẩm độc đáo mang tên trà mãng cầu. Vậy là, bên cạnh việc tiêu thụ trái tươi để bán cho thương lái, trái mãng cầu được nâng tầm cao hơn khi được tạo thành vị trà mới lạ, hấp dẫn.

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nơi sản xuất trà mãng cầu của thanh niên trẻ Hồ Thanh Nam.

Hương trà được làm từ trái mãng cầu phảng phất ngay khi đặt chân vào nhà làm tăng thêm sự tò mò, thích thú khám phá của chúng tôi. Đang dở dang với việc sấy trà, anh Nam mời khách món trà “đặc sản” của mình. Vẫn là mùi vị đặc trưng của trái mãng cầu nhưng không chát cũng không chua hay quá đắng, khiến người thưởng thức thử một ngụm muốn uống tiếp.

Bà Phan Thị Lài (sinh năm 1966, mẹ anh Nam) cho hay: “Ý tưởng làm trà mãng cầu do con trai tôi nghĩ ra. Trước giờ, chúng tôi chỉ chăm sóc và bán trái mãng cầu. Trên 17 công đất trồng mãng cầu với khoảng 1.300 gốc, mãng cầu cho trái quanh năm.

Với giá bán từ 15.000 - 35.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình thu về lợi nhuận 150 - 170 triệu đồng, nhiều năm qua, mãng cầu xiêm mang lại nguồn thu nhập ổn định. Khi con tôi nói sẽ nâng giá trị trái mãng cầu hơn nữa trên thị trường bằng cách chế biến thành trà, tôi bất ngờ và lo lắng. Nhưng thấy con quyết tâm quá, tôi động viên, hỗ trợ”.

Đưa chúng tôi tham quan vườn mãng cầu, anh Nam vừa đi vừa giới thiệu loại trái nào dùng để làm trà, trái nào bán tươi. Theo anh Nam, trà mãng cầu phải được làm từ trái vừa chín tới (không quá non hay quá già).

Bởi, trái non sẽ không có vị thơm, già quá thì thịt rất ướt, khó phơi. Nhìn những cọng trà phơi dưới nắng với hương thơm sảng khoái, anh Nam cho biết đã thất bại nhiều lần mới có được thành công như hôm nay.

“Tôi vừa tốt nghiệp ngành phát triển nông thôn ở Trường Đại học An Giang. Nhiều lần trăn trở về việc tìm đầu ra cho trái mãng cầu cũng như nâng cao giá trị cho loại trái quê, bao năm nuôi sống gia đình, tôi tâm sự với thầy giáo của mình. Được thầy gợi ý làm trà từ trái mãng cầu nên tôi quyết định thử. Qua tìm hiểu cách chế biến từ internet, cộng với tự mày mò nghiên cứu, sau nhiều lần thất bại, cuối cùng tôi đã thành công. Thời gian đầu, tôi nhờ người thân, bạn bè góp ý để hoàn thiện sản phẩm. Nhờ vậy, trà mãng cầu được nhiều người đón nhận và tin dùng” - anh Nam bày tỏ.

Có nghe chủ nhân của nó chia sẻ công đoạn chế biến, mới biết không hề đơn giản. Sau khi chọn được trái đạt chất lượng làm trà, anh Nam chia sẻ cách làm. Nghe không cầu kỳ nhưng hóa ra khi làm lại mất nhiều thời gian và cần sự tỉ mẩn cao. Vì thịt mãng cầu phải được cắt mỏng sao cho đều nhau, không quá to hay quá nhỏ. Công đoạn này hoàn toàn làm bằng tay nên đòi hỏi sự khéo tay.

Sau đó, mãng cầu được đem phơi (khoảng 2 nắng) rồi sấy lại trên lửa vừa phải. Không nhiều công đoạn lắm nhưng bất kỳ lúc nào bất cẩn cũng có thể hư mẻ trà chuẩn bị ra lò. Anh Nam cho biết, mất khoảng 10kg mãng cầu mới làm nên 1kg trà. Trà mãng cầu thành phẩm có giá bán 500.000 đồng/kg. Để khách hàng dễ mua, anh Nam chia thành 2 loại: 100gr (50.000 đồng/bịch) và 200gr (100.000 đồng/bịch).

Vậy là như mong ước ban đầu, trái mãng cầu dân dã, là nguồn sống của gia đình anh Nam nhiều năm giờ đã được nâng lên một giá trị cao hơn với tên gọi - trà mãng cầu. Hiện, anh Nam đang thử nghiệm với sản phẩm mới và hứa hẹn ra mắt thị trường thời gian không xa, đó là trà mãng cầu túi lọc.

 Mãng cầu được phơi dưới nắng
Mãng cầu được phơi dưới nắng

Trà mãng cầu của anh Nam hiện nay đã có mặt ở một số cửa hàng tạp hóa ở địa phương. Anh Nam cho biết còn tận dụng kênh facebook để quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, vị trà độc đáo này đã có mặt ở một số cửa hàng tiện ích hay nhà hàng ở Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy có được đầu ra nhưng do mới xuất hiện trên thị trường, vẫn còn khá nhiều người chưa biết đến loại trà độc đáo này của chàng thanh niên trẻ.

“Tôi dự định tham gia cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp của tỉnh để mang sản phẩm trà mãng cầu gần hơn với mọi người. Song, lo ngại của tôi là nguồn vốn. Bởi, nếu cứ sản xuất thủ công thì không phải là giải pháp lâu dài. Tương lai, tôi dự định đầu tư máy cắt sợi mãng cầu và máy sấy. Tuy nhiên, giá thiết bị máy móc này khá cao, tôi hy vọng sẽ tìm được nguồn vốn hỗ trợ!” - anh Nam bộc bạch.

Theo y học, mãng cầu xiêm là loại trái chứa lượng vitamin C gấp nhiều lần so với chuối, lê, táo, nho và dứa, có công dụng trị mất ngủ, đẹp da, ngừa ung thư, tăng sức đề kháng

Theo PHƯƠNG LAN (TTMT)