Mô hình khởi nghiệp độc đáo của thanh niên xứ dừa

01:11, 24/11/2018

Những thanh niên xứ dừa đã tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, phục vụ nhu cầu tự động hóa, cơ giới hóa trong sản xuất kinh doanh tại tại địa phương.

Những thanh niên xứ dừa đã tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, phục vụ nhu cầu tự động hóa, cơ giới hóa trong sản xuất kinh doanh tại tại địa phương.

    Chị Lê Thị Hiếu My bên cạnh những sản phẩm được điêu khắc bằng các thiết bị tự động hóa của công ty của chị.
    Chị Lê Thị Hiếu My bên cạnh những sản phẩm được điêu khắc bằng các thiết bị tự động hóa của công ty của chị.

    Tuy khởi nghiệp chưa đến 2 năm nhưng mô hình sản xuất, kinh doanh của vợ chồng trẻ Lê Thị Huế My và Lê Trọng Hiếu, cùng sinh năm 1988, ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã thành công bước đầu. Cặp đôi này đã áp dụng công nghệ 4.0 vào con đường mưu sinh, lập nghiệp, làm ra những sản phẩm rất độc đáo và hữu ích cho xã hội.

    Qua gần 2 năm mày mò, nghiên cứu đến nay vợ chồng  Lê Thị Huế My và Lê Trọng Hiếu đã chế tạo ra được hơn 20 máy tự động hóa CNC. Đây là các chiếc máy công cụ bằng kim loại, vận hành tự động theo lệnh từ máy vi tính, phục vụ cho việc cắt, khắc lazer, chạm gỗ, tiện gỗ, máy in 3D…

    Lê Thi Huế My và Lê Trọng Hiếu, quê ở xã  Lương Quới, huyện Giồng Trôm, trước đây là cán bộ của công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre. Đầu năm 2017, hưởng ứng Chương trình Đồng khởi- khởi nghiệp do Tỉnh ủy Bến Tre phát động, đôi nam nữ này từ bỏ công việc ở công ty để bắt tay vào dự án khởi nghiệp. 

    Từ nguồn vốn tích góp khoảng 100 triệu đồng, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất thấp của Quỹ khởi nghiệp và Quỹ khuyến công tỉnh Bến Tre  là 350 triệu đồng, đôi vợ chồng trẻ này thuê đất ở xã Hữu Định để khởi nghiệp.

    Từ kiến thức được đào tạo từ Trường đại học Cần Thơ và qua quá trình thực tiễn công tác, anh chị đã nghiên cứu chế tạo ra máy CNC, tức là máy công cụ tự động hóa. Lê Trọng Hiếu vốn là kỹ sư cơ điện tử nên bắt tay vào nghiên cứu, lắp ráp ra chiếc máy móc theo công nghệ điều khiển tự động. Chị Lê Thị Huế My thiết kế bản vẽ, lập trình trên máy tính để có thể điều khiển vận hành tự động hóa dây chuyền máy móc.

    Điểm nổi bật là các dòng máy này đều hoạt động dựa trên công nghệ tự động hóa, được thiết kế, lập trình và điều khiển hoạt động tự động thông qua máy vi tính. 

    Hiện nay, các dòng máy do vợ chồng Huế My-Trọng Hiếu chế tạo rất được khách hàng ưa chuộng bởi ưu điểm: tiện lợi, chi phí thấp và hữu dụng trong cuộc sống. Tùy loại máy mà giá thành trên dưới 100 triệu đồng, thấp hơn nhiều lần so với chiếc máy nhập từ nước ngoài; trong khi đó, công năng, hiệu quả hoạt động gần như nhau. Do đó, hầu như chiếc máy nào anh chị sản xuất ra đều được khách hàng xa gần thu mua.

    Sau khi sản xuất thành công những dòng máy tự động hóa, Lê Thị Huế My và Lê Trọng Hiếu, thành lập Công ty TNHH Một thành viên Tự động hóa Tùng Phát do Huế My làm giám đốc. Đây là một bước ngoặc, vươn lên trên bước đường khởi nghiệp của đôi vợ chồng trẻ xứ dừa.

    Chị Lê Thị Huế My cho biết, những dòng máy CNC có thể sử dụng trong sản xuất thủ công mỹ nghệ trên gỗ, đặc biệt là đối với gỗ dừa tại Bến Tre. Thời gian qua, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ phải mua chiếc máy loại này từ nước ngoài rất đắt tiền.

    Để sản xuất đối với dòng máy này, anh chị đã tham khảo nhu cầu của khách hàng, sau đó tư vấn và sản xuất với công năng, kích thước máy phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu. Trước khi nhận máy, khách hàng được hướng dẫn thành thạo cách thao tác, vận hành máy để thực hiện đạt yêu cầu.

    Ưu điểm của của máy CNC do công ty Tùng Phát chế tạo là giúp người sản xuất đơn giản hóa, giảm nhân công lao động, sản lượng ổn định, có thể sản xuất ngày - đêm, chất lượng sản phẩm đồng nhất. Máy hoạt động thông lập trình sẵn mẫu mã trên máy vi tính, nên người điều khiển chỉ cần ấn nhẹ nút trên bàn phím bằng ngón tay để ra lệnh vận hành và nhận được sản phẩm hoàn chỉnh theo ý muốn trong thời gian nhất định.

    Mặt khác, công nghệ CNC có thể nâng cấp mẫu hoặc đa dạng, nâng cao số lượng mẫu cho người sử dụng máy mà không cần tìm đến nhà sản xuất hoặc mua máy mới với vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng. Riêng dòng máy cắt, khắc lager có thể vận hành để cắt, khắc hình trên da, giấy, gỗ, nhựa, pica.  

    Ngoài ra, Huế My còn nghiên cứu giới thiệu ra thị trường dòng máy 3D: in sản phẩm bằng sợi nhựa theo hình ảnh thiết kế sẵn trên máy vinh tính.Thời gian tới, Lê Thị Huế My và Lê Trọng Hiếu sẽ tập trung vào gói nâng cấp dòng máy tiện cơ khí vận hành thủ công sang ứng dụng công nghệ CNC so với dự định ban đầu là sản xuất máy mới.

    Không chỉ sản xuất, nâng cấp máy theo công nghệ CNC, Công ty Tùng Phát còn liên kết với 4 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang ứng dụng máy công nghệ CNC trong tỉnh để nhận sản xuất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh.

    Bên cạnh việc cùng chồng chế tạo máy CNC, Lê Thị Huế My còn ứng dụng sản phẩm của công ty vào sản xuất các mặt hàng từ gáo dừa. Từ những chiếc gáo dừa ít được sử dụng, qua bàn tay của Huế My đã trở thành những vật dụng rất độc đáo phục vụ cho sinh hoạt trong mọi gia đình. Đó là các chiếc bình nước, chiếc lồng đèn,  đồ chơi trẻ em, vật dụng kết hợp trang trí, rất độc đáo vừa phục vụ thị trường nội địa vừa đưa đi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu. 

    Tuy dự án khởi nghiệp từ công nghệ mới thành công nhưng năm nay, công ty Tùng Phát đạt nguồn thu gần 1 tỷ đồng, được tỉnh Bến Tre bình chọn là mô hình tiêu biểu. Ông Nguyễn Trúc Việt, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đánh giá, ý tưởng khởi nghiệp của bạn Huế My là ý tưởng mới, đột phá.

    "Những máy chạm gỗ ra những hoa văn, hình, chữ rất đẹp trong khi nếu làm thủ công, những thợ điêu khắc phải làm rất lâu mới ra những sản phẩm này. Những sản phẩm này giúp giảm bớt thời gian tạo ra sản phẩm, giúp giá thành giảm hơn", ông Việt cho hay.

    Hiện nay, chương trình Đồng khởi- khởi nghiệp ở tỉnh Bến Tre đã phát triển và đi vào thực chất. Trong đó, mô hình khởi nghiệp từ việc  ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ của vợ chồng chị Lê Thị Huế My và Lê Trọng Hiếu ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành rất độc đáo, triển vọng. Bằng đôi tay, khối óc đầy sáng tạo, đôi vợ chồng trẻ này đã tạo ra những sản phẩm hữu ích, phục vụ nhu cầu tự động hóa, cơ giới hóa trong sản xuất kinh doanh tại tại địa phương./.

    Theo Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

     

    Đường dây nóng: 0987083838.

    Phóng sự ảnh