Về xã Long Phú (Tam Bình) vào những ngày cuối tháng 10 mưa dầm, song anh Nguyễn Hoàng Vương- Bí thư Xã Đoàn Long Phú, vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi thỏ của đoàn viên trong xã.
Các tin liên quan |
Về xã Long Phú (Tam Bình) vào những ngày cuối tháng 10 mưa dầm, song anh Nguyễn Hoàng Vương- Bí thư Xã Đoàn Long Phú, vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi thỏ của đoàn viên trong xã.
Đây là mô hình kinh tế mới được triển khai thực hiện trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của xã thời gian gần đây và đã đem lại những thành công nhất định.
Anh Nguyễn Văn Lý chỉ về con thỏ mà anh ưng ý nhất. |
Chia sẻ mô hình hay
Anh Nguyễn Thành Trung là ĐVTN đầu tiên của xã Long Phú thực hiện mô hình nuôi thỏ để cải thiện kinh tế gia đình.
Anh Trung gắn bó với con thỏ cách đây vài năm, “tui đến chơi nhà người bà con, thấy nuôi thỏ hay quá mà thu nhập từ thỏ cũng khá nên tui quyết tâm học hỏi”. Được sự chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi tận tình từ người bà con, anh Trung đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại và mua thỏ giống về nuôi.
Theo anh Trung, thức ăn cho thỏ là rau muống, rau lang… có sẵn ngoài vườn rất dễ tìm. Hiện tại anh Trung có khoảng 60 con, trong đó, thỏ giống 15 con, còn lại số thỏ mới sinh khoảng trên 2 tuần tuổi và thỏ thịt. Hơn nữa thỏ sinh sản hàng tháng, mỗi lứa thỏ sinh từ 3- 10 con, nếu tăng trưởng ổn định thỏ đạt đến trọng lượng từ 1,8- 2kg là có thể bán với giá dao động từ 60.000- 70.000 đ/kg.
Đối với thỏ giống (thỏ sữa) nuôi khoảng 30 ngày giá bán khoảng 50.000 đ/con, loại thỏ hậu bị 1,4kg trở lên bán ra có thể cho sinh sản ngay có giá khoảng 120.000 đ/kg. “Đầu ra thì mình bán cho lái rồi họ bán lại cho các nhà hàng ở thành phố; còn không thì bán thỏ giống được 50.000 đ/con. Có đồng vô đồng ra đều đều khoảng 6 triệu đồng/tháng”- anh Trung phấn khởi nói.
Thấy rõ hiệu quả của mô hình, Bí thư Xã Đoàn- Nguyễn Hoàng Vương quyết định kết hợp với anh Trung giới thiệu và nhân rộng ra nhiều đoàn viên trên địa bàn xã. Hiện tại trong xã có 5 đoàn viên tham mô hình, “đầu ra của sản phẩm cũng không còn khó khăn, vì được anh Trung chia sẻ những mối quen, nên có bao nhiêu thỏ thịt thì thương lái mua hết”.
Việc nuôi cũng không khó và có thể đem lại nguồn thu nhập khá ổn định, giúp anh em trong đoàn viên cải thiện kinh tế cho gia đình.
Thời tiết những ngày tháng 10 cứ kéo dài những cơn mưa rả rích, con đường vào nhà anh Nguyễn Văn Lý ngụ ấp 6B cũng lấm lem bùn sình. Ôm mớ cỏ vừa cắt ngoài vườn, anh Lý cứ rối rít khoe về mấy con thỏ.
“Cũng nhờ anh Vương vận động tham gia mô hình nuôi thỏ này, cùng nguồn con giống được anh Trung cung cấp với giá thành rẻ so với thị trường.
Không những vậy, còn được anh Trung tư vấn kỹ thuật nên việc chăn nuôi cũng không quá khó khăn”- vừa cho thỏ ăn anh Lý vừa nói. Ngoài ra, cứ mỗi chủ nhật hàng tháng, anh em ĐVTN tụ họp trao đổi kinh nghiệm với nhau trong quá trình nuôi.
Cách nhà anh Lý khoảng 3 cây số là nhà anh Võ Văn Bằng (Ấp 8B) cũng là một đoàn viên có nhiều kinh nghiệm trong việc chăn nuôi thỏ.
Anh Bằng cho hay: “Lúc trước, đầu ra không ổn định, nhiều anh em phải bỏ chuồng vì nuôi mà chẳng thu lại được đồng nào. Nhờ Vương với Trung mà tìm được đầu ra nên tui nuôi lại. Lứa thỏ đầu bán ngon lành nên tui cũng yên tâm”.
Cơ hội cho ĐVTN phát triển kinh tế
Dù mới bắt đầu được triển khai nhân rộng trong ĐVTN, song việc bán thỏ lứa đầu tiên đã phần nào cho thấy tính khả quan của mô hình.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra nhiều ĐVTN trên địa bàn xã hơn. Hiện tại ngoài các anh em đã nhận nuôi thỏ cũng có rất nhiều anh em khác cũng muốn tham gia”- anh Vương cho biết thêm.
Song trên địa bàn xã hiện nay vẫn còn nhiều ĐVTN gặp khó khăn về kinh tế trong khi muốn nuôi thỏ cũng cần “bỏ ra chút vốn liếng”. Vì vậy, Xã Đoàn đã có kiến nghị lên Huyện Đoàn Tam Bình xin được hỗ trợ nguồn vốn.
“Thật đáng mừng khi chúng tôi đã nhận được sự đồng tình đoàn cấp trên. Theo đó, các đoàn viên chăn nuôi thỏ gặp khó khăn sẽ nhận được tiền hỗ trợ để mua thỏ giống và làm chuồng khoảng 40 triệu đồng. Đây là cơ hội để các ĐVTN kiếm thêm thu nhập từ thỏ”- anh Vương phấn khởi nói.
Anh Võ Văn Bằng khoe cặp thỏ vừa mới sinh. |
Mới đây, Huyện Đoàn Tam Bình đã tổ chức cho các xã trên địa bàn huyện đến khảo sát, tham quan thực tế, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi thỏ tại xã Long Phú.
Anh Nguyễn Thành Luân- Phó Bí thư Huyện Đoàn Tam Bình nhìn nhận: “Tổ liên kết chăn nuôi thỏ do anh Nguyễn Hoàng Vương phát động và đảm nhiệm việc bao tiêu đầu ra, cung cấp con giống bước đầu đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều anh em ĐVTN ở địa phương. Không những vậy, qua mô hình này còn cho thấy sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau làm kinh tế trong ĐVTN”.
Với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp bộ đoàn trong việc nhân rộng và tìm ra đầu ra ổn định tin rằng, mô hình sẽ là hướng đi mới cho các đoàn viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống góp phần đưa nông thôn ngày càng phát triển.
>> Kỳ cuối: Ấm áp những ngôi nhà nhân ái
Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin