(VLO) Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2024, trung tâm ghi nhận 1.216 trường hợp nhiễm giun sán, ký sinh trùng. Trong đó giun đường ruột ghi nhận 105 trường hợp, chủ yếu là giun đũa chó mèo chiếm trên 90% ca nhiễm.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Tín- Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Triều An- Loan Trâm, khi nhiễm giun đũa chó, người bệnh sẽ có triệu chứng đầu tiên là ngứa, nổi mề đay. Ngoài ra, người bệnh có thể biểu hiện những triệu chứng kèm theo như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, ăn kém, đau bụng, bạch cầu ái toan tăng...
Bệnh giun đũa chó khiến người bệnh bị thiếu máu, ở một số trường hợp hiếm gặp có thể dẫn đến mù lòa, các bệnh ở não- thần kinh nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Chính vì vậy khi có những biểu hiện như trên cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Để phòng nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, cần ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn rau sống, rửa tay thật sạch trước khi ăn. Các gia đình nuôi chó mèo nên tẩy giun sán định kỳ 6 tháng 1 lần; không thả rông chó, mèo và có biện pháp xử lý chất thải của chó, mèo một cách hợp lý tránh để trở thành nguồn phát tán bệnh ra cộng đồng. Đặc biệt, không cho trẻ em tiếp xúc với đất cát, đùa nghịch, ôm hôn chó, mèo.
SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin