(VLO) Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, song hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine. Trước bệnh cúm mùa gia tăng, Sở Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
![]() |
Khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện. |
Số người đi tiêm vaccine cúm tăng
Trước tình trạng số ca mắc cúm gia tăng tại nhiều địa phương trong cả nước, mấy ngày qua, tại Vĩnh Long người dân chủ động đi tiêm vaccine cúm nhằm bảo vệ sức khỏe.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong những ngày qua, trung tâm ghi nhận số lượng người dân đến tiêm ngừa, đặc biệt là vaccine cúm mùa gia tăng. Trung bình, mỗi ngày có từ 80-100 người đến tiêm vaccine cúm, tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Nhiều cha mẹ đã tranh thủ đưa trẻ đi tiêm vaccine cúm bởi lo ngại bị lây nhiễm trong môi trường học đường. Nhiều người lớn chủ động đưa gia đình đi tiêm vaccine cúm và vaccine phòng bệnh hô hấp khác. Chị Võ Thị Thu Trang (xã Long An, huyện Long Hồ) cho biết: “Nay bé nhỏ của chị 10 tháng đã tiêm đủ 2 mũi cúm. Mũi trước tiêm cách đây 1 tháng.
Còn anh trai lớp 3 thì đều được tiêm nhắc lại mỗi năm. Tiêm ngừa cho con thì đủ đầy theo lịch hẹn còn người lớn thì nghĩ khỏe, hổng sao, ưu tiên con nhỏ trước nhưng thấy báo đài nói nhiều người bị cúm nên chị cũng lo nên nay chị tiêm luôn, phòng bệnh cho an tâm”.
Theo Trung tâm Tiêm chủng BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, nhu cầu người dân tiêm vaccine cúm và phế cầu tăng từ sau Tết bởi trong bối cảnh số ca bệnh đường hô hấp gia tăng trên cả nước. Hiện, trung tâm có đầy đủ các loại vaccine cúm thế hệ mới từ Pháp và Hà Lan, đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh tối ưu cho người dân.
Anh Nguyễn Minh Khoa (xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít) cho biết: “Tôi bị viêm xoang mỗi khi thay đổi thời tiết nên nay tôi chủ động tiêm để ngừa bệnh cúm và các bệnh về đường hô hấp”.
Các bác sĩ cho biết, cúm mùa và các biến chứng nặng của cúm mùa đã được phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Tiêm chủng phòng bệnh không chỉ tạo miễn dịch bảo vệ bản thân mà còn đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người chưa được tiêm vaccine hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng như trẻ sơ sinh, thai phụ, người mắc các bệnh lý cấp tính...
BS.CK1 Huỳnh Thị Xuân Mai- Phụ trách Trung tâm Tiêm chủng BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết: “Sau khi tiêm vaccine, cơ thể thường mất khoảng 2 tuần để sản sinh ra lượng kháng thể cần thiết.
Do đó, trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm vaccine sớm, tiêm đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo để tạo miễn dịch tốt nhất. Cần lưu ý, việc tiêm ngừa vaccine cúm cần tiêm nhắc lại hàng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài”.
Rà soát đối tượng để tiêm bù vaccine
![]() |
Tiêm vaccine cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và các biến chứng nguy hiểm. |
Tại Vĩnh Long, Sở Y tế cho biết qua ghi nhận tại một số bệnh viện, chưa có trường hợp bệnh cúm nặng nào. Bệnh nhân bị cảm cúm chủ yếu bệnh nhẹ, khám và điều trị ngoại trú.
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa Đông Xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...
Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Để phòng bệnh cúm, việc quan trọng nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, biện pháp hữu hiệu và ít tốn kém nhất mà người dân cần thực hiện là đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn, tránh tập trung quá đông người. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời…”- Phó Giám đốc Sở Y tế- Nguyễn Văn Bé Hai nhấn mạnh.
Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai- Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine ngừa bệnh sởi; tiếp tục duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ”.
Đồng thời, yêu cầu trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố huy động sự tham gia của chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành, đoàn thể để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành cùng cấp liên quan giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus; chủ động công tác giám sát, lưu ý việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp... Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp gia tăng ca bệnh.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin