Khói thuốc lá ảnh hưởng sức khỏe trẻ em

05:07, 11/07/2024

Không chỉ người hút thuốc lá (TL) mà người hít phải khói TL cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đặc biệt là trẻ em. Theo các bác sĩ, việc thường xuyên hít phải khói TL hay hút thuốc lá điện tử (TLĐT) sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ hô hấp, tim mạch và sự phát triển não bộ của trẻ.

(VLO) Không chỉ người hút thuốc lá (TL) mà người hít phải khói TL cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đặc biệt là trẻ em. Theo các bác sĩ, việc thường xuyên hít phải khói TL hay hút thuốc lá điện tử (TLĐT) sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ hô hấp, tim mạch và sự phát triển não bộ của trẻ.

Trẻ em bị bệnh về đường hô hấp do ảnh hưởng khói thuốc lá tại Khoa Nhi BVĐK Triều An- Loan Trâm.
Trẻ em bị bệnh về đường hô hấp do ảnh hưởng khói thuốc lá tại Khoa Nhi BVĐK Triều An- Loan Trâm.

Thuốc lá ảnh hưởng hệ hô hấp của trẻ

Ở trẻ em, hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng chưa cao nên trẻ rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói TL.

Chị Lê Thanh Ngọc (xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít) chăm con gái 20 tháng tuổi đang điều trị viêm phổi tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Vĩnh Long.

“Con ho khò khè, sốt, xét nghiệm máu được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, cần phải theo dõi, chăm sóc tích cực. Trong nhà có cha bé hay hút TL, bác sĩ nói đó là nguyên nhân khiến con bé hay bị bệnh”- chị Ngọc lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngàn (phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long) cho biết: “Ở nhà có ông nội hay hút TL và cũng đã bị bệnh nền nhiều nhưng nghiện TL nên lúc có cháu nội ông né ra sân hút, dù vậy khói TL cũng còn bám vô áo quần hoặc cháu đeo ông ẵm cũng bị ảnh hưởng.

Bé nhỏ 2 tuổi thường xuyên bị bệnh hô hấp, khò khè hoài. Chị cũng nhờ chồng nhắc khuyên ba bỏ, hy vọng ông thương cháu nhỏ hay nằm viện mà bỏ TL”.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Vĩnh Long, khi trẻ bị ảnh hưởng bởi TL sẽ làm giảm chức năng hô hấp, sức khỏe kém, tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi, viêm phổi, viêm phế quản, hay bị ho, thở khò khè. Khói TL làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em.

Khi trẻ đã bị hen suyễn mà hít thở không khí có khói TL sẽ lên cơn hen nhiều hơn và bệnh cũng trầm trọng hơn.

Hút TL thụ động gây ra những hậu quả lâu dài cho trẻ em như làm lão hóa mạch máu sớm, làm dày thành mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ sau này, làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Ngoài ra khói TL cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa cấp và mạn tính, làm tăng tiết dịch tai giữa. Hậu quả của viêm tai giữa gây điếc và gây nên gánh nặng về kinh tế cho gia đình và cuộc sống của trẻ em.

Bảo vệ trẻ trước tác hại của thuốc lá điện tử

Theo BS Trần Chí Công, để hạn chế khói TL ảnh hưởng đến trẻ, cách tốt nhất là người nhà cần bỏ hút TL. Khi đi ra ngoài, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói TL.

Bên cạnh đó, để kiểm tra xem trẻ có đang bị mắc các bệnh về đường hô hấp mà nguyên nhân do hút TL thụ động, phụ huynh nên cho trẻ đi khám định kỳ để tầm soát sức khỏe và có những phương pháp giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng TLĐT được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp này đều xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ hút TLĐT trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo điều tra, tình hình sử dụng TLĐT ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.

Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Đáng chú ý, trên thị trường đang xuất hiện nhiều mặt hàng TLĐT được ngụy trang có dạng đồ chơi trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

TLĐT “núp bóng” hình gấu hương cà phê, hình các nhân vật hoạt hình, hay ngụy trang hộp sữa, hương vị cũng giống mẫu đi kèm... Nhìn vẻ bề ngoài không khác gì đồ chơi trẻ em, song lại có đuôi sạc pin và đầu hút của TLĐT. Với hình thức này, phụ huynh hết sức lưu ý vì con trẻ có thể ngụy trang để hút TLĐT.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân là do các em đã thử hoặc hít phải TLĐT... Ở độ tuổi thanh thiếu niên, do thể chất đang phát triển nên khả năng gây hại nhiều hơn so với người trưởng thành.

Nguy hiểm hơn, ở lứa tuổi này, các em thường có tâm lý thích tò mò nên càng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo và nếu hút trong thời gian dài, TLĐT sẽ gây rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, tâm thần, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề nhất là suy giảm khả năng tư duy, sáng tạo trong học tập.

Do đó, các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác truyền thông phổ biến thực thi Luật Phòng, chống tác hại của TL, đặc biệt là các sản phẩm TLĐT, TL nung nóng và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sử dụng TL, TLĐT, TL nung nóng tới học sinh, sinh viên.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, TL nung nóng trong môi trường học đường.

Ngoài ra, phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, quản lý con em của mình về thời gian, tiền bạc, quan hệ bạn bè và thói quen sinh hoạt hàng ngày để sớm phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện khác lạ, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, định hướng con tới lối sống tích cực, lành mạnh.

Từ đó, giúp các em có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh trước tác hại của TLĐT.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh