Chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu

05:07, 11/07/2024

Bạch hầu (BH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng phát thành dịch.

(VLO) Bạch hầu (BH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng phát thành dịch.

Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.
Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.

Bệnh này được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao, người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Các chuyên gia khuyến cáo việc đảm bảo tiêm ngừa và tiêm nhắc lại có vai trò hết sức quan trọng để phòng chống bệnh nguy hiểm này.

Ngày 8/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản khuyến nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh BH, đặc biệt tại các địa phương đang ghi nhận ca bệnh.

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh BH và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.

Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh BH, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị sở y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch.

Theo các chuyên gia, BH là bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc do tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn BH. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác. Bệnh có thể gặp phải ở cả trẻ em và người lớn.

Do đó các chuyên gia khuyến cáo việc đảm bảo tiêm ngừa và tiêm nhắc lại có vai trò hết sức quan trọng để phòng chống bệnh nguy hiểm này.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh BH đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà bông. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người tiếp xúc với bệnh nhân BH cần được sử dụng kháng sinh dự phòng.

Vaccine BH có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong quần thể dân số nói chung. Do đó, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine (BH- ho gà- uốn ván, DPT) theo chương trình tiêm chủng.

Tại Việt Nam, tất cả trẻ em đều cần được tiêm ngừa vaccine BH ở trong dạng phối hợp với các vaccine khác bao gồm 3 mũi cơ bản, cách nhau ít nhất 1 tháng khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18-24 tháng tuổi.

Đối với trẻ lớn, người lớn, phụ nữ trước khi mang thai, sau đó có thể nhắc mỗi 10 năm/lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn BH lâu dài.

Người chưa từng tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm 3 liều: Lần 1: bất kỳ lúc nào; lần 2: cách lần 1 tối thiểu 1 tháng; lần 3: cách lần 2 tối thiểu 5 tháng. Có thể tái chủng mỗi 10 năm.

Bài, ảnh: MAI ANH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh