Du lịch lễ mùa nắng nóng, cần lưu ý gì?

12:04, 29/04/2024

Lễ 30/4 và 1/5 năm nay, thời tiết trên cả nước nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao, khu vực Nam Bộ tăng cao gần 40 độ C. Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ sốc nhiệt hoặc đột quỵ do nóng rất cao, vấn đề an toàn thực phẩm nên người cần lưu ý tới điều kiện sức khỏe khi đi du lịch.

(VLO) Lễ 30/4 và 1/5 năm nay, thời tiết trên cả nước nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao, khu vực Nam Bộ tăng cao gần 40 độ C. Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ sốc nhiệt hoặc đột quỵ do nóng rất cao, vấn đề an toàn thực phẩm nên người cần lưu ý tới điều kiện sức khỏe khi đi du lịch.

-Khi đi du lịch vào những ngày nắng nóng cần chủ động các biện pháp bảo vệ sức khoẻ.
Khi đi du lịch vào những ngày nắng nóng cần chủ động các biện pháp bảo vệ sức khoẻ.

Cần uống đủ nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực ĐBSCL, nắng nóng có thể đạt mức 39 độ C ở An Giang. Nhiều nơi có thể đạt nhiệt độ đến 38 độ C gồm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Cảnh báo, nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến ngày 30/4.

Từ ngày 1-2/5, nắng nóng trên cả nước có khả năng giảm dần. Độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1. Đây cũng là thời điểm các gia đình đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ. Vậy người đi du lịch cần lưu ý gì?

Nghỉ lễ dài, nhiều gia đình chọn du lịch biển để giải nhiệt và xua tan oi bức của thời tiết nắng nóng. Anh Trần Thanh Phong (TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Nắng oi kinh khủng, anh chọn du lịch biển ở Long Hải (Bà Rịa- Vũng Tàu) để cả nhà đi tắm biển mát để giải nhiệt.

Anh mua thêm mấy quạt sạc cho các con cầm chống nóng. Dù mê biển nhưng anh chị cho con tắm sáng sớm và sau 4h chiều cho đỡ nắng nóng, để không ảnh hưởng sức khỏe”.

Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, du lịch ở nơi có thời tiết nắng nóng, người dân nên tuân thủ các bước dưỡng ẩm da bên cạnh sử dụng kem chống nắng phù hợp.

Ngoài ra, nên đội nón rộng vành, kính mát, khẩu trang dày, quần áo dài tay, uống nước nhiều, có dù che; nên ở trong bóng cây hạn chế ra những khu vực nắng nóng nhiệt độ cao; tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian lâu ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong trường hợp da bị cháy nắng, bỏng nắng nhẹ, lập tức tìm bóng râm, vào nơi mát mẻ để trú ngụ. Hạn chế tuyệt đối ra nắng vào những ngày sau đó. Trường hợp bỏng nắng nặng, có thương tổn rộp nước, trợt da, đau rát dữ dội, cần đi khám da liễu điều trị kịp thời.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo khi đi du lịch trong thời tiết nắng nóng, mỗi người cần nhớ uống đủ nước và chăm sóc, bảo vệ làn da khỏi tác hại của nắng nóng.

“Người dân cần tăng cường áp dụng những biện pháp chống nắng, nóng như uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Người dân cần tránh nắng vào khoảng 10-16 giờ vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất, nhất là những người mắc bệnh nhạy cảm với thời tiết. Đặc biệt người dân cần đến trung tâm y tế gần nhất nếu cảm thấy các dấu hiệu ảnh hưởng tới sức khỏe như như mất nước, sốc nhiệt, say nắng, đột quỵ”-BS Thu Hằng nhấn mạnh.

Cẩn thận với những món ăn “độc, lạ”

Khi đi du lịch, nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể cao hơn một chút vì một số lý do. Đi du lịch thường liên quan đến việc thử các món ăn khác nhau, thức ăn đường phố và các món ngon địa phương. Việc tiếp xúc với các mầm bệnh mới và không quen thuộc sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm.

Các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu không được xử lý kịp thời.

Để phòng tránh bệnh tiêu chảy khi đi du lịch, BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long khuyến cáo: “Cần chú ý ăn thức ăn được nấu kỹ và bảo quản đúng. Dùng nước uống đã được đun sôi hoặc nước đóng chai đảm bảo.

Hạn chế ăn các món tươi sống, đặc biệt thủy hải sản không có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo. Trái cây phải được gọt vỏ hoặc rửa bằng nước sạch trước khi ăn.

Chỉ dùng các sản phẩm sữa, thực phẩm chế biến sẵn trong bao gói đảm bảo và còn hạn dùng; đem một số thuốc đề phòng gặp tiêu chảy thông thường như thuốc cầm tiêu chảy (berberin), men tiêu hoá, smecta, loperamide… và oresol để bù nước”.

Đặc biệt với trẻ em, cha mẹ trước tiên phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ. Nên nhắc nhở, giám sát trẻ thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi. Vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc các bề mặt và sau khi đi đường về.

Khi có dấu hiệu bất thường như nôn, tiêu chảy kèm sốt sau khi tiếp xúc với các yếu tố có nghi ngờ cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh bị mất nước nhiều, gây rối loạn điện giải. Trong trường hợp mất điện giải nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người dân nên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo sức khỏe của địa phương nơi đến, tuân thủ các quy định liên quan để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Người dân chỉ nên mua thực phẩm từ nguồn đáng tin cậy và được công nhận, tránh ăn ở những nơi thức ăn không được che đậy cẩn thận.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh