Từ giữa tháng 9 đến nay, bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ) trên địa bàn Vĩnh Long tăng nhanh, chủ yếu là học sinh. Bệnh đang có xu hướng lây lan nhanh, nhất là trong các trường tiểu học và THCS. Hiện nay, các trường học ở Vĩnh Long đang tập trung tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về phòng chống bệnh này.
(VLO) Từ giữa tháng 9 đến nay, bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ) trên địa bàn Vĩnh Long tăng nhanh, chủ yếu là học sinh. Bệnh đang có xu hướng lây lan nhanh, nhất là trong các trường tiểu học và THCS. Hiện nay, các trường học ở Vĩnh Long đang tập trung tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về phòng chống bệnh này.
Đảm bảo đầy đủ nước và xà bông rửa tay, nhằm tạo điều kiện cho học sinh giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế sự lây lan. |
Học sinh ý thức phòng bệnh
Những tuần lễ qua, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, các trường học trên địa bàn Vĩnh Long đều lồng ghép thông tin, các phòng ngừa bệnh ĐMĐ cho giáo viên, học sinh.
Đồng thời, dán các thông tin về bệnh để học sinh, phụ huynh đọc để biết cách phòng bệnh. Giáo viên đứng lớp cũng chú tâm quan sát học sinh, nếu có trẻ bệnh sẽ thông báo ngay cho học sinh để rước các em về. Nhân viên y tế học đường luôn sẵn sàng để có các bước ban đầu chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Theo cô Đặng Thị Ly- Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Thanh An (TP. Vĩnh Long), trường phát hiện những trẻ mắc bệnh ĐMĐ từ sau khai giảng.
Các trường hợp bệnh được cô giáo cho nghỉ học để phòng bệnh lây lan. “Giáo viên, nhân viên cấp dưỡng của lớp phải nắm được triệu chứng và các nguyên nhân lây nhiễm để hạn chế việc lây lan tại nhóm lớp, đặc biệt đồ dùng, đồ chơi của trẻ hoặc đồ dùng cá nhân phải thường xuyên bảo đảm sạch sẽ, khô ráo khi cho trẻ sử dụng.
Đối với những trẻ bị đỏ mắt thì các cháu ở nhà để ba mẹ theo dõi, điều trị, tránh trường hợp lây nhiễm tại nhóm lớp”- cô Đặng Thị Ly cho biết.
Cùng với đó, hàng ngày, trẻ tới trường cũng đều được giáo viên phổ biến thêm kiến thức phòng bệnh. Tại lớp lá, tiếng cô trò ê a, rôm rả thật sinh động về các biện pháp phòng chống bệnh ĐMĐ.
“Cô mở ti vi cho tụi con xem để biết mắt mình đỏ, ngứa có hột ghèn là bị bệnh. Xem xong cô hỏi con giơ tay trả lời đúng phải giữ sạch đôi tay, không đưa tay chùi mắt, mũi được cô khen giỏi”- bé Trần Khánh An hồn nhiên.
Việc học sinh nghỉ dài ngày để điều trị ĐMĐ ảnh hưởng đến tiến độ học tập. Nhiều trường học vận động giáo viên hướng dẫn phụ huynh cho học sinh ôn tập tại nhà. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về phòng chống bệnh ĐMĐ đến từng lớp học nhằm hạn chế lây lan bệnh trong trường học.
Trở lại lớp sau 1 tuần điều trị bệnh ĐMĐ, bé Nguyễn Anh Tuấn (lớp 3 Trường Tiểu học Nguyễn Du) hào hứng: “Mắt hết đỏ, hết đau nay con được đi học con mừng lắm. Ở nhà nhớ bạn, nhớ cô lắm! Nghỉ học con cũng viết bài, đọc bài tại nhà nè”.
Chị Trang- mẹ Anh Tuấn cho biết: “Từ giữa tháng 9, lớp có nhiều bé nghỉ bệnh ĐMĐ và bệnh thông thường nên trong zalo lớp cô chủ nhiệm đều chụp bài, gởi bài học mỗi ngày để cho các bé nghỉ bệnh ở nhà vẫn được ôn bài kịp với các bạn. Trong nhóm cô còn gởi cách phòng, chăm sóc bệnh tại nhà cho phụ huynh nữa”.
Bé Bùi An Nhiên (lớp ¾ Trường Tiểu học Nguyễn Du) cho biết: “Hôm bữa lớp con có tới 10 bạn nghỉ học vì bệnh ĐMD. Cô con đến sớm xịt khuẩn, lau bàn ghế nhắc tụi con phải giữ sạch bàn tay bằng xà bông, nước sát khuẩn; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng mình; không lại gần bạn đau mắt và phải uống đủ nước.
Đi học về là con thay đồ, rửa sạch tay và con biết tự nhỏ nước muối sinh lý vô mắt để bảo vệ mắt khỏi bệnh ĐMĐ rồi đó”.
Phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 24/9, toàn tỉnh ghi nhận thống kê từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 17.200 ca bệnh ĐMĐ trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm hơn 26%.
Số ca mắc đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây, xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Đáng lưu ý, riêng tuần qua tỉnh ghi nhận trên 3.660 ca mắc, trong đó trẻ em mắc chiếm 53%.
Trước bệnh ĐMĐ đang tăng nhanh, Sở Y tế vừa ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác truyền thông phòng bệnh ĐMĐ.
Học sinh đến khám bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện chuyên khoa Mắt tỉnh. |
Theo đó, để đảm bảo công tác phòng bệnh ĐMĐ, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường hoạt động truyền thông, giám sát phòng bệnh ĐMĐ; phối hợp với các ban, ngành tại địa phương để hướng dẫn triển khai truyền thông các biện pháp phòng, chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; thường xuyên, chủ động theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh ĐMĐ trên địa bàn để kịp thời có các biện pháp phòng chống và truyền thông phù hợp.
“Ngoài ra, các cơ sở giáo dục khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí và khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm... cần yêu cầu gia đình đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ nhiệm để quản lý.
Đối với người dân, khi nghi ngờ mắc bệnh, người lớn cũng như trẻ em nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị, phòng bệnh lây lan, không nên tự ý mua thuốc uống hay thuốc nhỏ mắt có thể gây tổn hại đến mắt”-TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
BOX : BS.CK2 Lương Hữu Thiện- Phó giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Mắt tỉnh cho biết: thông thường bệnh ĐMĐ từ lúc khởi phát cho đến lúc khỏi bệnh kéo dài trong vòng 1 tuần.
Nếu học sinh tự học tại nhà trong thời gian này thì bệnh ít lây lan hơn. Dù bệnh không nguy hiểm, nhưng cha mẹ học sinh cũng cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của các cơ sở y tế.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN