9 tháng đầu năm, cả nước có 61 người tử vong vì bệnh dại

08:10, 01/10/2023

Ngày 28/9 là ngày Thế giới phòng chống bệnh dại. Ở Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và là một trong số các bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất.

Người dân tiêm ngừa dại tại CDC Vĩnh Long
Người dân tiêm ngừa dại tại CDC Vĩnh Long

(VLO) Ngày 28/9 là ngày Thế giới phòng chống bệnh dại. Ở Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và là một trong số các bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất.

Theo Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 61 người tử vong vì bệnh dại ở 26 tỉnh thành. Địa phương có nhiều ca bệnh dại tử vong nhất là Gia Lai (10 ca), sau đó đến Nghệ An, Điện Biên (cùng 6 ca), Bình Phước, Bến Tre (cùng 4 ca), Quảng Bình, Đắk Lắk (cùng 3 ca)…

Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp với số ca tử vong cao. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do dại, tăng 18 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~42%). Bên cạnh đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Vĩnh Long, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Với những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm... cũng cần chích ngừa định kỳ. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để chích vaccin, huyết thanh kháng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Tin, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh