Theo Tổ chức ghi nhận ung thư (UT) thế giới GLOBOCAN 2020, tại Việt Nam, UT phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca cũng như tỷ lệ tử vong gần 24.000 ca hàng năm ở cả 2 giới, sau UT gan.
Trong thuốc lá có các thành phần hydrocacbon thơm, đây là tác nhân gây ung thư phổi và các loại ung thư khác. |
(VLO) Theo Tổ chức ghi nhận ung thư (UT) thế giới GLOBOCAN 2020, tại Việt Nam, UT phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca cũng như tỷ lệ tử vong gần 24.000 ca hàng năm ở cả 2 giới, sau UT gan.
Trong đó, 90% người mắc bệnh là do thói quen hút thuốc lá (TL). Cứ 100.000 người dân Việt Nam có 36 nam giới và 12 nữ giới được chẩn đoán mắc UT phổi.
Nguy cơ ung thư phổi do thuốc lá
Thích là hút, chẳng cần biết hậu quả ra sao, bởi vậy bệnh nhân (BN) nhập viện do UT phổi liên quan đến TL ngày càng tăng nhanh. Đáng nói, các BN có tiền sử hút TL hàng chục năm.
Điều trị bệnh UT phổi tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, chú H.C.L. (51 tuổi, ở TT Trà Ôn) ho nhiều và thở nặng, mệt. “Ho đàm nhiều suốt ngày, tui cảm thấy tức ngực, tức cổ khó chịu dữ lắm.
Tui hút TL từ năm 16, 17 tuổi. Lúc trẻ hút ngày cỡ 2 gói thuốc, sau này bệnh rề rà tui bớt lại còn 1 gói. Nửa năm nay bị UT phổi đã di căn tui sợ… tui bỏ TL luôn. Bệnh mới sợ, mới biết việc hút TL vì nghiện nhưng nó là chất độc tàn phá sức khỏe ghê gớm như vậy”- chú L. thở dài.
Nằm cùng phòng, anh T.T.P. (45 tuổi, ở TP Cần Thơ) UT phổi đã được làm sinh thiết và chờ phác đồ điều trị từ bác sĩ. “Thời điểm hút TL nhiều nhất, mỗi ngày từ 1-2 gói, tôi chỉ bỏ hẳn khi phát hiện ra bệnh. Các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, một là do hút TL từ lâu, hai là do hút TL điện tử.
Các bạn trẻ hãy tránh xa TL, đặc biệt, ai đang hút TL muốn bỏ là bỏ luôn chứ đừng sử dụng TL điện tử”, anh P. chia sẻ.
Hút TL chủ động nguy cơ mắc bệnh đã đành, đằng này người bị hút TL thụ động còn bị bệnh nặng hơn người hút. “Chồng thì bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, tui thì bị UT phổi. Vợ chồng bệnh hết, vừa điều trị tốn kém, sức khỏe giảm sút không đủ sức mần. Tui còn ấm ức vì bị bệnh do hơn 25 năm gánh chịu mùi khói TL của chồng”- chị V.T.T.D. khóc.
“Tầm soát ngay, sớm chữa lành”
Theo các bác sĩ bệnh viện K, trong khói TL có rất nhiều chất độc hại, khi con người trực tiếp hít vào sẽ gây tổn hại đến phổi, tăng nguy cơ UT phổi gấp 13 lần so với người thường.
Không chỉ vậy, đây là bệnh UT khó phát hiện ở giai đoạn sớm, triệu chứng rất mơ hồ hoặc không có triệu chứng, gây khó khăn cho việc điều trị. Dẫn đến bệnh chỉ được phát hiện và điều trị ở giai đoạn cuối, kết quả điều trị thấp, tỷ lệ biến chứng gây tử vong rất cao.
Nguyên nhân tác động gây nên bệnh UT phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút TL, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh…
Đặc biệt, khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Bệnh viện K đã ghi nhận không ít BN UT phổi đã hút hơn 10 điếu/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây UT phổi.
Về dấu hiệu nhận biết UT phổi, người bị UT phổi thường có các dấu hiệu báo động đỏ như: ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh, có BN giảm đến 10kg trong 3 tháng.
Đáng chú ý, ho là dấu hiệu thường gặp trong UT phổi nhưng ho cũng biểu hiện rất nhiều bệnh lý khác. Nên nếu xuất hiện ho nhiều, ho ra máu, đau đầu, đau ngực, thỉnh thoảng bị co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh cần đi khám sức khỏe sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Để phòng UT phổi, cần hạn chế các chất, tác nhân gây bệnh UT như TL, thực phẩm, hóa chất độc hại... Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ...
Tỷ lệ UT phổi ở nam giới gấp 3 lần nữ giới. Người hút TL tăng nguy cơ UT phổi gấp từ 15-30 lần so với người không hút TL. Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đưa ra tại lễ phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức sàng lọc phát hiện sớm UT phổi năm 2023 mang tên “Thương phổi” với thông điệp “Tầm soát ngay, sớm chữa lành” do Bộ Y tế và Quỹ Hỗ trợ BN UT- Ngày mai tươi sáng tổ chức ngày 13/8. “Điều trị UT phổi rất phức tạp song người bệnh phát hiện UT phổi ở giai đoạn muộn lên đến 75%. Nếu được phát hiện ở giai đoạn 1, việc điều trị rất đơn giản, BN chỉ cần phẫu thuật nhưng ở giai đoạn 2 và 3, BN phải kết hợp hóa trị, xạ trị, dùng thuốc điều trị đích với chi phí gấp vài chục lần. Vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm UT phổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin