Theo Sở Y tế, số ca mắc tay chân miệng (TCM) trong tỉnh tiếp tục ghi nhận ở mức cao, đáng chú ý có 1 trường hợp tử vong. Dù là bệnh lành tính, song nếu không điều trị kịp thời, TCM có thể gây biến chứng vô cùng nguy hiểm mà phụ huynh nên lưu ý.
Trẻ rửa tay thường xuyên giúp phòng tránh bệnh tay chân miệng. |
(VLO) Theo Sở Y tế, số ca mắc tay chân miệng (TCM) trong tỉnh tiếp tục ghi nhận ở mức cao, đáng chú ý có 1 trường hợp tử vong. Dù là bệnh lành tính, song nếu không điều trị kịp thời, TCM có thể gây biến chứng vô cùng nguy hiểm mà phụ huynh nên lưu ý.
Nhiều ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng
Theo Bộ Y tế, trên 35.000 trường hợp mắc TCM và đã có 15 ca tử vong trên cả nước từ đầu năm đến tuần đầu tháng 8/2023. Đáng nói, có sự gia tăng tỷ lệ các ca dương tính với chủng EV71.
Theo các chuyên gia, chính đặc điểm này đã khiến các ca bệnh TCM diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
Hiện nay, trung bình mỗi tuần Vĩnh Long ghi nhận trên dưới 60 ca mắc TCM, nâng số ca mắc TCM từ đầu năm đến 6/8 lên trên 630 trường hợp.
Trong đó, có 29 ca bệnh nặng từ độ 2B trở lên. Đáng chú ý, có 1 trường hợp trẻ 2 tuổi ở TP Vĩnh Long mắc bệnh TCM nặng được chuyển lên tuyến trên điều trị nhưng bệnh nhiều biến chứng nặng và tử vong.
Ngày 25/6, bệnh nhi sốt 38,5 độ C nhập viện điều trị tại BVĐK Vĩnh Long được chẩn đoán bệnh TCM độ 3. Sau đó, ngày 27/6 bệnh nhi được chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh với chẩn đoán TCM độ 3, tăng huyết áp.
Dù được các bác sĩ tích cực điều trị 37 ngày nhưng bệnh nhi tử vong với chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, di chứng não, ARDS nặng, bệnh TCM độ 4 chủng virus EV71.
Tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, hiện có nhiều trẻ nhập viện điều trị, đa số từ độ 2A, 2B và độ 3. Nhập viện tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long ngày 5/8 sau 2 ngày sốt cao, bé L.T.T.Q. (2 tuổi, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) được chẩn đoán mắc TCM độ 3.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Khoa Nhi cho biết: “Đây là mức độ rất nguy hiểm của bệnh TCM, có thể gây ra nhiều biến chứng lên hệ hô hấp, tuần hoàn, hệ thần kinh, thậm chí có thể bị tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, theo phác đồ điều trị, bệnh viện phải sử dụng Gamma Globulin truyền tĩnh mạch để điều trị cho bệnh nhi”.
Thông thường, trẻ mắc TCM ở mức độ nhẹ có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Song, nhiều cha mẹ vẫn có những sai lầm trong việc tự điều trị dẫn đến bệnh trở nặng.
Trong khi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng ngừa nên phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc.
Có con mắc bệnh TCM nặng điều trị tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, chị L.T.A. (huyện Long Hồ) cho biết chị chủ quan tính con sốt do mọc răng cho đến khi con sốt cao, co giật, gia đình vội cho nhập viện và rất may được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Tăng cường kiểm soát phòng tránh bệnh tay chân miệng lây lan
Một số triệu chứng ở trẻ mắc tay chân miệng cần lưu ý là nổi hồng ban ở tay, chân, mông; miệng chảy nước bọt kèm sốt nhẹ... |
Theo Phó Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long Trần Chí Công, bệnh TCM biểu hiện nhiều mức độ, việc chẩn đoán sớm, theo dõi là rất cần thiết.
Đáng lưu ý, nếu bệnh nhi dương tính với chủng virus EV71- loại tác nhân gây bệnh TCM nặng gây độc thần kinh nghiêm trọng nhất.
Đây là tác nhân thường làm cho bệnh diễn tiến nặng, gây tổn thương não, tổn thương tim, tổn thương các cơ quan nhiều hơn, rất nguy hiểm, có thể tử vong nhanh nếu không được xử lý kịp thời.
“Với TCM, bệnh diễn tiến có thể nặng lên trong khoảng thời gian có thể từ 6-12 tiếng cho đến 1 ngày, phải theo dõi kỹ các dấu hiệu như sốt, không đáp ứng thuốc hạ sốt, nôn ói nhiều, ăn uống kém, ngủ nhiều, giật mình, chới với,...”, BS Chí Công cho hay.
Theo BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, mặc dù trẻ khỏi bệnh TCM nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ em đối với bệnh này không bền vững.
Các bậc phụ huynh cần chú ý phát hiện sớm bệnh, khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh TCM như sốt (nhẹ đến cao), loét miệng, nổi hồng ban mụn nước, các vị trí thường gặp: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông.
Trẻ sốt cao liên tục không hạ, tự dưng nôn ói, nhợn ói, run tay run chân, trẻ đi không vững, thở mệt, trẻ ngủ bị giật mình… cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được khám, điều trị kịp thời.
Trước tình hình bệnh TCM gia tăng và có ca tử vong, TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giám sát và phòng, chống bệnh. Số ca mắc bệnh TCM có giảm được hay không là do sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của mỗi cá nhân.
Sắp tới, học sinh sẽ quay lại trường học, vì vậy cần tăng cường kiểm soát phòng tránh bệnh không bùng phát thành dịch.
“Ngay sau khi có ca tử vong do bệnh TCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành giám sát, khoanh vùng và xử lý ổ dịch tại nhà và trường học theo quy định. Ngành y tế tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống bệnh TCM nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp bệnh nặng và tử vong.
Đồng thời, giám sát, vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo nhằm sớm phát hiện, cách ly ca bệnh, tiến hành khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường...”- Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Đồng thời phòng bệnh TCM vẫn dựa vào các biện pháp vệ sinh cá nhân để tránh lan truyền trực tiếp giữa các trẻ. Phụ huynh cần tăng cường bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin cho trẻ.
Để phòng bệnh trong trường học, cần vệ sinh bề mặt, vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc. Phát hiện sớm trẻ mắc bệnh và cách ly để hạn chế sự lây lan, đồng thời tập cho trẻ những thói quen rửa tay thường xuyên.
“Bệnh TCM được phân làm 4 độ, trong đó độ 1 có thể điều trị tại nhà. Song, khi thấy con có dấu hiệu của bệnh TCM, phụ huynh cần đưa con đi khám để bác sĩ phân loại và phải tái khám hàng ngày để đánh giá khung độ hàng ngày, nếu bé chuyển độ cao hơn bác sĩ sẽ cho nhập viện để theo dõi và điều trị”- BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai nhấn mạnh. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin