Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

05:08, 22/08/2023

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá (TL) mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm TL điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe đối với thế hệ trẻ.

Nhiều bạn trẻ có xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử thay cho thuốc lá điếu truyền thống.
Nhiều bạn trẻ có xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử thay cho thuốc lá điếu truyền thống.

(VLO) Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá (TL) mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm TL điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe đối với thế hệ trẻ.

Tác hại của thuốc lá điện tử

Thống kê của Bộ Y tế, cả nước có trên 1,1 triệu người hút thuốc lá điện tử (TLĐT), trong đó ở lứa tuổi học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, tỷ lệ sử dụng lên tới 12,6%.

TLĐT và TL nung nóng có chứa nicotin, có khoảng 15.500 loại hương liệu trong đó có rất nhiều loại hương liệu gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thời gian qua, tình trạng học sinh, sinh viên ngộ độc TLĐT đang gia tăng. Các chuyên gia khuyến cáo, chính sự thiếu hiểu biết của các em về tác hại của sản phẩm này là nguyên nhân dẫn tới việc trẻ tò mò, muốn dùng thử, khám phá…

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên- Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), từ năm 2019 tới nay, đơn vị này tiếp nhận nhiều học sinh, sinh viên ngộ độc các hợp chất có trong TLĐT. Nhiều bệnh nhân trẻ nhập viện trong tình trạng mất kiểm soát, kích thích vật vã, loạn thần giống như ngộ độc ma túy.

Đáng lưu ý, theo BS Nguyễn Trung Nguyên, TLĐT có bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt. Nguyên liệu này có thể thay thế tùy thích theo nhu cầu sử dụng.

Do đó, ngoài chất nicotin trong TL thông thường, rất nhiều trường hợp đã phối trộn thêm các loại dung dịch lạ, chất kích thích, ma túy thế hệ mới khiến người hút ngộ độc nặng nề hơn, nguy hiểm tới tính mạng.

Hệ lụy của TLĐT, không chỉ gây ra các nguy cơ mắc các bệnh ung thư như TL thông thường, mà theo các chuyên gia, do sự phối trộn của các chất ma túy, kích thích có thể gây ngộ độc thần kinh, tổn thương gan, não, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Theo các chuyên gia, do quá lo lắng với việc con có thể tiếp cận sớm với TLĐT nên nhiều phụ huynh luôn muốn con tránh xa, thậm chí giấu giếm, không cho con biết tới TLĐT. Song, chính việc thiếu thông tin, kiến thức này đã dẫn tới thực tế là trẻ dễ bị kích thích, muốn khám phá khi được tiếp cận.

Trẻ hoàn toàn mơ hồ về các tác hại, các nguy cơ mà TLĐT có thể mang đến. Do đó, phụ huynh và nhà trường không nên lo sợ “vẽ đường cho hươu chạy” mà nên tuyên truyền, giúp con hiểu rõ về tác hại, nguy cơ khi sử dụng, để trẻ chủ động phòng tránh.

Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không TL 31/5 và Tuần lễ quốc gia không TL, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, các sản phẩm TLĐT được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ, điều này dẫn đến việc sử dụng TLĐT đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh việc nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại TL mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm TL mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng TL sẽ gia tăng trở lại.

“Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm TL mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm TL điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe đối với thế hệ trẻ, gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của TL là giảm tỷ lệ hút TL và bảo vệ sức khỏe cộng đồng” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại TL, cho hay, tỷ lệ hút TLĐT ở nước ta năm 2020 ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng TLĐT tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi.

“Vì vậy trong các chương trình truyền thông năm 2023 của Quỹ Phòng chống tác hại TL sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của TLĐT, TL nung nóng, đẩy mạnh truyền thông trên các trang mạng xã hội (TikTok, YouTube, Facebook) để cung cấp thông tin kịp thời và huy động sự tham gia của đông đảo thanh niên, sinh viên”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Một số thông điệp được sử dụng trong Chiến dịch truyền thông “Nói không với TLĐT, TL nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ” gồm:

- Sử dụng TLĐT và TL nung nóng có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.

- Giống như hút TL thường, TL nung nóng và TLĐT cũng tỏa ra các hóa chất độc hại như nitrosamines và hydrocacbon có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư.

- Sử dụng TLĐT và TL nung nóng nhanh chóng gây nghiện nicotin và khó cai nghiện.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh