Mùa tựu trường cũng là khi thời tiết thay đổi thất thường. Khí hậu thường ẩm thấp, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh như sởi, thủy đậu, cúm mùa, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM)…
Các cô Trường Thực hành Măng non (Phường 9, TP Vĩnh Long) dạy trẻ rửa tay đúng cách và giữ sạch đôi tay để phòng bệnh. |
(VLO) Mùa tựu trường cũng là khi thời tiết thay đổi thất thường. Khí hậu thường ẩm thấp, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh như sởi, thủy đậu, cúm mùa, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM)…
Các bệnh này có thể lây lan và bùng phát thành dịch trong môi trường đông người như trường học nếu phụ huynh không có biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là tiêm vaccine cho con.
Giữ sức khỏe cho con đi nhà trẻ
Thời tiết mưa nhiều, tạo điều kiện muỗi vằn sinh sôi phát triển. Bên cạnh bệnh SXH tăng, tình hình bệnh TCM cũng đang tăng tại Vĩnh Long.
Theo thống kê của ngành y tế, tính đến ngày 20/8, Vĩnh Long ghi nhận gần 890 ca mắc SXH. Trên 780 ca mắc TCM, trong đó nhóm trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ 95,5%. Ngành y tế khuyến cáo, TCM là căn bệnh dễ lan rộng và bùng phát trong mùa tựu trường nếu người dân không chủ động phòng bệnh cho trẻ.
Tại Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng (Phường 1, TP Vĩnh Long), công tác phòng ngừa bệnh TCM, SXH cũng được đặc biệt chú trọng. Trường chỉ đạo giáo viên thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà bông, rửa nhiều lần trong ngày.
Nhà trường bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào khẩu phần ăn của trẻ, đặc biệt là cho trẻ uống thêm nước cam, nước chanh để tăng sức đề kháng.
“Ở trên lớp, các cô theo dõi sức khỏe trẻ hàng ngày, đặc biệt là những trẻ có biểu hiện bị sốt, có nổi mụn nước ở miệng, tay, chân, mông để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, để phòng chống SXH, ở các lớp còn giăng mùng cho các bé ngủ trưa. Các cô thường xuyên trông coi, tấn mùng lại để ngừa muỗi đốt các bé”- cô Dương Thị Phương Lan- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng, cho biết.
Nhiều ba mẹ lo lắng về việc con khóc, biếng ăn hay bệnh khi đi nhà trẻ. Thậm chí, nhiều bé mới đi học vài ngày đã nghỉ học cả tuần vì bệnh, trở thành nỗi ám ảnh với cả gia đình. Bé Lê Thảo Lam (3 tuổi) đi học được 4 ngày thì sốt, khò khè phải nghỉ học.
Chị Nguyễn Minh Hạnh- mẹ bé, xót xa: “Dù đã chuẩn bị tâm lý con đi học sẽ bệnh, nhưng nhìn con ăn uống ít, khóc hoài khi bệnh, cũng xót quá. Cũng may con chỉ bị nhiễm siêu vi. Tôi cho con nghỉ học vài ngày chăm cho bé khỏe, rồi mới đi học tiếp”.
Tích cực phòng bệnh cho con
Theo BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, trẻ em khi đến lớp tiếp xúc với môi trường đông người sẽ có khả năng bị nhiễm bệnh chéo, tốc độ lây truyền bệnh từ bạn học cũng sẽ rất nhanh.
Đặc biệt là đối với nhóm trẻ học mầm non nếu như không được bảo vệ tốt, khả năng mắc bệnh lại càng cao hơn với các bệnh nhiễm trùng, các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về hô hấp...
Để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày đầu đi học, theo BS Tuyết Mai, cần sự kết hợp của nhà trường, phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh tại trường học, khu vực công cộng; chế độ học tập, sinh hoạt phù hợp. Một số bệnh truyền nhiễm có thể xuất phát từ gia đình như cúm, SXH,... do đó phụ huynh tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
Ý thức được tầm quan trọng của vaccine, chị Trần Anh Thy (TP Vĩnh Long) luôn quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho con bằng tiêm ngừa. “Cả 2 con đều tiêm đúng lịch, đủ mũi trong sổ tiêm ngừa.
Con gái lớn học lớp 2, con trai nhỏ 4 tuổi, trước khi đi học, vợ chồng tôi đã cho con tiêm đầy đủ các loại vaccine cần thiết như cúm, phế cầu, thương hàn, thủy đậu,… để con có được miễn dịch bảo vệ tốt nhất, tránh nguy cơ mắc bệnh phải gián đoạn học tập, phòng nguy cơ biến chứng, di chứng bệnh nặng ảnh hưởng sức khỏe, thể chất, trí tuệ của con”- chị Anh Thy cho biết.
Chị Nguyễn Ngọc Mai (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho biết: “Con trai nhỏ vào lớp 1 tôi cũng nhắc con giữ thói quen rửa tay thường xuyên. Trong cặp có khăn giấy ướt, giấy khô và nước rửa tay sát khuẩn, để cần vệ sinh. Bình nước lọc đem theo uống, bánh sữa trong cặp có sẵn. Về nhà là tôi nhắc con tắm rửa thay đồ và luôn đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng cho con”.
Để phòng bệnh từ những ngày đầu đi học, BS Tuyết Mai lưu ý ngoài tiêm ngừa đầy đủ phòng các bệnh lý nguy hiểm bằng các loại vaccine sẵn có để trẻ có miễn dịch tốt, phù hợp lứa tuổi, phụ huynh và nhà trường cần giáo dục trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là giữ sạch bàn tay.
“Phụ huynh nên chú ý bảo vệ sức khỏe cho con bằng cách giúp trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân tốt, bổ sung vi chất trong bữa ăn như vitamin A, C, D, tắm rửa sạch sẽ khi đi học về. Ngủ đủ thời gian, uống đủ nước... Khi thấy trẻ có biểu hiện bệnh, đưa trẻ đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ”- BS Tuyết Mai nói.
BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vaccine đầu tiên được khuyến cáo là cúm, do các chủng virus cúm biến đổi liên tục mỗi năm. Đồng thời, kháng thể do vaccine tạo ra tồn tại chỉ dưới 1 năm. Tiếp theo, trẻ nên tiêm mũi phòng các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván; tiêm nhắc đối với nhóm dưới 7 tuổi và dưới 15 tuổi. Ngoài ra, trẻ còn cần phòng bệnh phế cầu khuẩn do bệnh dễ lây qua đường hô hấp, gây nhiều bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết; HPV, viêm não Nhật Bản, não mô cầu... |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin