Bệnh xơ vữa động mạch- kẻ giết người thầm lặng

03:08, 11/08/2023

Xơ vữa động mạch là bệnh lý có diễn biến âm thầm, đến khi phát hiện thì bệnh tình đã chuyển biến đến tình trạng nghiêm trọng. Vì vậy, phòng và điều trị kịp thời các mảng xơ vữa nhằm ngăn chặn biến chứng nguy hiểm gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

(VLO) Xơ vữa động mạch là bệnh lý có diễn biến âm thầm, đến khi phát hiện thì bệnh tình đã chuyển biến đến tình trạng nghiêm trọng. Vì vậy, phòng và điều trị kịp thời các mảng xơ vữa nhằm ngăn chặn biến chứng nguy hiểm gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ xơ vữa.
Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ xơ vữa.

Những yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch

Theo GS.TS Trương Quang Bình- Chủ tịch Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam, xơ vữa có thể xảy ra ở mọi động mạch thuộc bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng nghiêm trọng nhất khi gây tắc nghẽn hoạt động cung cấp máu cho tim và não, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Mỗi năm, tại Việt Nam có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, gấp đôi số người mất vì ung thư, song nhiều người vẫn chủ quan về căn bệnh này.

Xơ vữa động mạch xảy ra khi các động mạch bị tắc nghẽn bởi các mảng bám được hình thành từ các chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác, tích tụ trong thành động mạch. Theo thời gian, các mảng bám xơ cứng lại, thu hẹp động mạch và hạn chế lưu lượng máu.

Khi những mảng chất béo này vỡ ra sẽ hình thành một cục huyết khối (cục máu đông) gây tắc nghẽn, thậm chí chặn dòng chảy của máu.

Nếu như huyết khối xảy ra ở 1 trong 2 động mạch vành chính cung cấp máu cho tim sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim; xảy ra ở một trong những động mạch đến não sẽ gây đột quỵ; xảy ra trong các động mạch ở các chi có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên.

Theo GS.TS Trương Quang Bình, xơ vữa động mạch được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, do thường không gây các triệu chứng cho đến khi ở giai đoạn nặng.

Lúc này, tình trạng hẹp động mạch nặng khiến lưu lượng máu bị gián đoạn, không thể vận chuyển đến các cơ quan và mô.

“Các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì... tạo điều kiện cho các mảng bám tích tụ trong thành động mạch, khiến động mạch bị xơ vữa.

Đặc biệt, lối sống ít vận động thể lực, chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo, căng thẳng kéo dài... cũng khiến bệnh này trẻ hóa”- GS.TS Trương Quang Bình khuyến cáo.

Phòng ngừa xơ vữa động mạch

Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long, tăng huyết áp cũng là hậu quả của quá trình xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch sẽ làm cho thành động mạch dày lên, kém đàn hồi, gọi là xơ cứng động mạch.

Khi tăng huyết áp, làm cho cholesterol- LDL lấn sâu vào thành động mạch, xơ vữa, xơ cứng động mạch sẽ phát triển nhanh lên, gây tăng huyết áp nhiều hơn.

“Nhiều bệnh nhân vừa bị tăng huyết áp, vừa phát hiện xơ vữa động mạch vành 40%, là trường hợp rất phổ biến khi khám bệnh. Để điều trị ngăn không cho mạch vành hẹp thêm, người bệnh cần tuân thủ 3 điều: uống thuốc đầy đủ, điều chỉnh chế độ ăn và chế độ tập luyện nghiêm túc”- BS Thanh Đức nói.

Đáng lưu ý, thực tế những biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi dưới 40 hầu hết là những người hút thuốc lá nhiều.

Có trường hợp bệnh nhân có tuổi đời trẻ nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim như béo phì, đái tháo đường chưa phát hiện, hút thuốc lá nhiều năm với số lượng lớn…

Hút thuốc lá gây xơ vữa động mạch. Theo thời gian, các mảng xơ vữa lớn dần lên gây hẹp lòng mạch tại một hay nhiều nhánh động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim.

Nếu tắc các mạch máu lớn hoặc tắc mạch trên phạm vi rộng do các mảng xơ vữa long ra gây bít tắc, ở nhiều vị trí có thể gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não… thậm chí là ngừng tim.

Để điều trị xơ vữa động mạch, BS.CK2 Lê Thanh Đức khuyến cáo người bệnh cần thay đổi lối sống như chế độ ăn uống thích hợp, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì, kiểm soát căng thẳng, hoạt động thể lực và bỏ hút thuốc lá.

Kết hợp với việc dùng thuốc tùy theo tình trạng bệnh: thuốc điều chỉnh các rối loạn lipid máu; hạ huyết áp; thuốc hạ đường huyết; ngăn ngừa cục máu đông, béo phì, có nhồi máu cơ tim chưa, có hẹp mạch máu nào >50%, tiền sử gia đình,...

Điều quan trọng là phải uống thuốc thường xuyên theo toa của bác sĩ đồng thời với một lối sống lành mạnh cho tim.

“Duy trì thuốc lâu dài sẽ giúp làm chậm sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch. Người bệnh sẽ sống khỏe.

Ngược lại, không kiểm tra, không uống thuốc, các biến chứng của xơ vữa động mạch như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, nhồi máu thận, suy tim, suy thận... sẽ đến sớm hơn, nhiều hơn so với nhóm người nghiêm túc thực hiện. Phòng bệnh luôn luôn tốt hơn trị bệnh”- BS Lê Thanh Đức khuyến cáo.

Để phòng ngừa, GS.TS Trương Quang Bình- Chủ tịch Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam khuyến cáo người dân cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh nhiều muối, đường, đồ ăn nhiều cholesterol. Mỗi người nên tập thể dục thường xuyên, duy trì 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần, trong đó đạp xe, đi bộ nhanh rất tốt cho sức khỏe tim mạch.

Cần giữ cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá, kiểm soát bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và các bệnh mạn tính khác. Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ xơ vữa.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh