Phỏng vấn

Cúm A/H1N1 lây nhanh, tồn tại lâu ngoài môi trường

Cập nhật, 05:59, Thứ Sáu, 07/04/2023 (GMT+7)

(VLO) Hiện thời tiết đang rất thuận lợi cho virus cúm phát triển, trong đó có cúm A/H1N1. Đây là bệnh cúm mùa thông thường, gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên.

Phóng viên Báo Vĩnh Long vừa trao đổi với BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, để giúp độc giả hiểu rõ thêm về căn bệnh này và việc chủ động phòng tránh bệnh ra sao.

* Xin BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến cho biết, bệnh cúm A/H1N1 lây lan qua những con đường nào?

- Cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp thuộc dạng cúm mùa xảy ra quanh năm có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, do chủng cúm A/H1N1 gây ra. Đây là loại virus có tốc độ lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh từ 12-48 tiếng, chu kỳ tái sinh từ 4-6 tiếng có thể hình thành virus mới và tiếp tục nhân lên.

Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại từ 1-2 ngày trong môi trường nhiệt độ thường (từ 24-48 giờ) trên các bề mặt như: bàn, ghế, tủ, nhất là mặt inox; trên quần áo có thể tồn tại từ 8-12 giờ.

Bên cạnh đó, chúng có thể sống đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và vài tuần nếu ở nhiệt độ từ 0-4 độ C. Do vậy, ở các hồ bơi công cộng có thể tạo điều kiện cho cúm A/H1N1 hoạt động mạnh và dễ gây bệnh cho người.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng của bệnh.

Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh ho, khạc khiến các giọt bắn có chứa virus bám trên các bề mặt vật dụng, đồ chơi... , đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, bệnh viện...

* Nếu bị nhiễm cúm A/H1N1 ở thể nặng thì sẽ có những biến chứng gì, thưa bác sĩ?

- Sau khi bị nhiễm virus cúm, ở người lớn bệnh sẽ có các biểu hiện như sốt cao 39-40 độ C kèm theo lạnh run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi và có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho...

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa biết nói, các biểu hiện thường gặp chủ yếu của nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính như sốt trên 38 độ C, đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu hoặc đau cơ, mệt mỏi, biếng ăn, nôn, tiêu chảy.

Bệnh cúm mùa diễn tiến thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng nguy hiểm của cúm
A/H1N1 và nguy hiểm hơn khi xảy ra ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai do biến chứng viêm phổi nặng, suy đa cơ quan, tổn thương não, tổn thương thận, viêm cơ tim dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân có thể khỏi bệnh từ 2-5 ngày, tối đa là 7-14 ngày. Thời gian ủ bệnh tương đối ngắn, chỉ trong vòng 12 tiếng đến 2 ngày, có nhiều trẻ chỉ sốt trong vòng 24 tiếng.

Tuy nhiên, do sự tăng sinh của virus cúm A nên virus này có thể lây lan với tốc độ rất nhanh, có thể hình thành các chùm ca bệnh và các ổ dịch bệnh nhỏ. Trường hợp virus cúm A có các đột biến gien thì nguy cơ gây ra dịch lớn là rất cao.

* Đối với cúm A/H1N1 thì chúng ta có thể chủ động phòng ngừa cho trẻ bằng cách nào, thưa bác sĩ?

- Câu trả lời khá đơn giản đó là ngoài việc có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học, tăng cường sức đề kháng thì giữ vệ sinh sạch sẽ là cách phòng tránh rất quan trọng.

Để phòng ngừa cúm A/H1N1, người dân, trong đó đặc biệt là trẻ nhỏ, cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên, uống vitamin A (trẻ em)...

Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên với xà bông, hạn chế đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi. Chủ động đến các cơ sở y tế khi có những triệu chứng đau ngực, khó thở… Đặc biệt, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng cúm đúng lịch.

Đối với những trẻ lớn nên tránh thức khuya, ăn uống đủ chất, tập thể dục thể thao… Nếu có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc.

THÚY QUYÊN (thực hiện)