Sốt siêu vi là một căn bệnh phổ biến có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ em. Hiện nay, tại các tỉnh phía Nam, bệnh đang có sự gia tăng do thời tiết thất thường, phụ huynh cần chú ý đến quá trình hoạt động và sinh hoạt của trẻ để chủ động phát hiện, phòng chống.
(VLO) Sốt siêu vi là một căn bệnh phổ biến có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ em. Hiện nay, tại các tỉnh phía Nam, bệnh đang có sự gia tăng do thời tiết thất thường, phụ huynh cần chú ý đến quá trình hoạt động và sinh hoạt của trẻ để chủ động phát hiện, phòng chống.
Bác sĩ BVĐK Vĩnh Long đang khám cho bệnh nhi. |
Trẻ mắc bệnh nhiễm siêu vi tăng
Cứ mỗi khi thời tiết chuyển mùa, các khoa nhi tại các bệnh viện trên địa bàn Vĩnh Long lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt siêu vi đến khám với các triệu chứng rất đa dạng và phức tạp.
Sốt siêu vi cũng có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết, hoặc gây viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt phát ban, bệnh tay chân miệng,… do trẻ em nhạy cảm với hiện tượng thời tiết nắng nóng đang là điều kiện thuận lợi để các siêu vi trùng (virus) phát triển, khiến trẻ dễ mắc bệnh. Thậm chí có một số cơ sở y tế bị quá tải, không đáp ứng đủ số giường nằm cho bệnh nhi điều trị nội trú.
Tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, hiện lượng bệnh nhi điều trị nội trú luôn vượt công suất sử dụng giường bệnh từ 20-30%, với trên 130 trẻ được điều trị mỗi ngày, tăng hơn 30% so với những tháng trước đó.
Sốt siêu vi, tuy điều trị đơn giản và tỷ lệ hồi phục cao, nhưng phụ huynh không nên chủ quan trước những biến chứng nguy hiểm của sốt siêu vi.
Hầu hết trường hợp sốt siêu vi có triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, đa phần tự khỏi, song bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cảnh giác vì bệnh có thể diễn tiến nặng.
Chăm con trai 4 tuổi đang điều trị sốt siêu vi tại Khoa Nhi, BVĐK Vĩnh Long, chị Lê Thị Kim Trân (Phường 4, TP Vĩnh Long) cho biết: “Trước khi nhập viện 2 ngày, con ho sốt cao hơn 39 độ, chị có đưa con đi khám bác sĩ tư nhưng khi thấy con sốt cao quá nên đưa khám bệnh viện và được nhập viện do nhiễm siêu vi. Sau 3 ngày điều trị, con bớt sốt, tươi tỉnh hơn”.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi (BVĐK Vĩnh Long), thông thường sốt siêu vi đa số lành tính và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày.
Song, để phân biệt trẻ sốt do nguyên nhân gì và điều trị đúng, phụ huynh không nên tự mua thuốc uống hay điều trị tại nhà. Cần phải đưa trẻ đi khám, làm các xét nghiệm cần thiết và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
“Sốt siêu vi hay nhiễm siêu vi là chẩn đoán mà bác sĩ nhi khoa thường ghi trên toa thuốc khi vài ngày đầu trẻ bị sốt mà chưa chẩn đoán được trẻ mắc bệnh gì.
Sốt siêu vi có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết, cũng có thể là viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt phát ban, thậm chí là bệnh tay chân miệng.
Do đó, bác sĩ thường hẹn phụ huynh đưa bệnh nhi tới khám lại mỗi ngày, hoặc làm một số xét nghiệm để biết chính xác trẻ bị bệnh gì”- BS Chí Công lưu ý.
Phòng ngừa sốt siêu vi cho trẻ
Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, những dấu hiệu đặc trưng ở trẻ nhiễm siêu vi là sốt (sốt vừa 38-39 độ đến sốt cao 40-41 độ). Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường.
Ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như trường hợp trên, khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật, tăng tiết đàm nhớt dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não.
Trẻ cũng thường bị đau nhức khắp cơ thể, đau đầu, ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa, viêm hạch (vùng đầu, mặc cổ sau tai, gáy), phát ban, viêm kết mạc mắt, nôn ói..
“Nếu không tìm được nguyên nhân gây sốt, cũng như đã loại trừ các yếu tố vi khuẩn như viêm amidan, viêm tai giữa cấp, nhiễm trùng tiểu... và các xét nghiệm không thấy gợi ý nhiễm khuẩn, bác sĩ vẫn giữ nguyên chẩn đoán nhiễm siêu vi và bệnh này thường sẽ tự khỏi trong vòng 5-7 ngày.
Mặc dù vậy, nếu trẻ hay người lớn có tiếp xúc với nguồn lây đặc biệt các siêu vi (virus cúm) H1N1, H5N1, H7N9 hay COVID-19 có thể biểu hiện viêm phổi nặng diễn tiến đến suy hô hấp nặng, tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời”- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh lưu ý.
Theo BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi- Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, hiện các bệnh do siêu vi trùng gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do đó, trẻ mắc sốt siêu vi có thể điều trị tại nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ.
“Đặc biệt so với các bệnh lý đường hô hấp do vi khuẩn, trẻ cần điều trị bằng kháng sinh, còn sốt virus trẻ có thể khỏi mà không cần đến kháng sinh.
Vì vậy, chúng ta cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khám, để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp”- bác sĩ Tuyết Mai lưu ý.
Thông thường sau khi được khám phân loại, điều trị tại nhà, khi trẻ bị sốt nhẹ, có thể chườm nước, lau mát hạ nhiệt, cho trẻ uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp trẻ sốt cao hoặc có tiền sử co giật, phụ huynh có thể dùng thuốc đặt hậu môn hạ sốt, lau người bằng nước ấm trong 30 phút.
Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung các loại thực phẩm dễ tiêu như súp, nước ép trái cây, cháo... Cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay nếu có các dấu hiệu: sốt cao liên tục trên 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt; ngủ nhiều, li bì, lơ mơ, đau đầu; dấu hiệu sốt co giật; buồn nôn, nôn khan…
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, để phòng ngừa nhiễm siêu vi, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc với người đang bệnh, không cho trẻ tắm lâu, chơi ngoài nắng hay đi bơi quá nhiều, cần tăng cường đề kháng, vệ sinh mũi họng… cho trẻ. Hiện nhiều bệnh nhiễm trùng gây sốt siêu vi có thể ngăn ngừa được nhờ tiêm chủng. Phụ huynh hãy cho trẻ tiêm các loại vaccine hiện có như cúm, sởi, rubella, quai bị... đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh và tạo độ miễn dịch tốt nhất. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin