90% dân số Việt Nam mắc bệnh về răng miệng. Trong đó, hơn 85% trẻ em 6-8 tuổi bị sâu răng sữa; sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi. Sức khỏe răng miệng có tác động lớn đến sức khỏe toàn thân.
Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh trong Trường Tiểu học An Phước A- Mang Thít. |
(VLO) 90% dân số Việt Nam mắc bệnh về răng miệng. Trong đó, hơn 85% trẻ em 6-8 tuổi bị sâu răng sữa; sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi. Sức khỏe răng miệng có tác động lớn đến sức khỏe toàn thân. Thế nhưng, có tới 55% người dân không bao giờ đi khám bệnh răng miệng, chỉ đi khám khi “bệnh đã rồi” dẫn đến khó khăn trong việc điều trị.
Hơn 85% trẻ 6-8 tuổi gặp các bệnh về răng miệng
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới (20/3), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ở nước ta trên 85% trẻ em bị sâu răng, trên 80% người trưởng thành có viêm lợi, viêm quanh răng. Các bệnh này là nguyên nhân chủ yếu gây mất răng sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Do đó, Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới là dịp để lan tỏa thông điệp giúp cộng đồng quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bản thân, cho người thân và cho trẻ em, qua đó mang lại sức khỏe răng miệng tốt hơn và góp phần nâng cao sức khỏe toàn thân.
Một nghiên cứu từ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương cũng chỉ ra, có hơn 90% người dân trên toàn quốc đang có bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu này, có tới 55% người dân không bao giờ đi khám bệnh răng miệng.
Rất nhiều người dân còn xem nhẹ việc chăm sóc hay các bệnh lý về răng miệng. Phần lớn người bệnh chỉ đến khám khi răng gặp vấn đề như sưng tấy, đau nhức do sâu, viêm nướu- lợi... Người dân cũng chưa có ý thức chăm sóc răng miệng định kỳ.
“Đánh răng hàng ngày và cũng chưa đau nhức gì nên tôi thấy không cần thiết phải khám răng định kỳ cho rắc rối”; “Cùng lắm, bị sâu răng thì... nhổ! Ngại đến gặp nha sĩ lắm, vừa tốn tiền vừa mất thời gian!”. Đó là một số quan niệm phổ biến hiện nay.
Đây cũng là lần đầu tiên ông T.V.V. đi BVĐK Vĩnh Long khám răng. “Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định bị viêm xung quanh răng rất nhiều dù cũng đánh răng, súc miệng”- ông V. nói.
Theo bác sĩ Võ Tuấn Vi- Khoa Răng- hàm- mặt (BVĐK Vĩnh Long), tỷ lệ người mắc bệnh về răng miệng nhiều cũng là do thói quen ăn uống hàng ngày sinh ra cao răng, nếu không vệ sinh cao răng bằng chỉ nha khoa hay bàn chải đánh răng thì sẽ gây tích tụ cao răng, lâu ngày cũng gây viêm tủy, viêm nha chu, viêm lợi...
PGS.TS Trần Cao Bính- Chủ tịch Hội Răng- hàm- mặt Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Răng- hàm- mặt Trung ương cho biết, sâu răng là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây mất răng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe toàn thân.
Vì vậy, dự phòng sâu răng cho trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung là quan trọng, cần thiết, cấp bách và cần được quan tâm đúng mức.
Vệ sinh răng đúng và khám răng định kỳ
Học sinh tiểu học là lứa tuổi mà trẻ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn. Trẻ chưa thực sự có cấu trúc răng hoàn thiện, chưa tự ý thức được vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng. Do đó tỷ lệ sâu răng, viêm lợi, mất răng sữa sớm ở lứa tuổi này còn cao.
Việc mất răng sữa sớm, làm trẻ ăn nhai kém, phát âm không chuẩn, hàm răng vĩnh viễn dễ bị xô lệch ảnh hưởng đến sự phát triển thẩm mỹ và thể chất trong giai đoạn sau này.
Chính vì thế, công tác chăm sóc dự phòng sức khỏe răng miệng cho các trẻ ở độ tuổi này là vô cùng cần thiết.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng (TP Vĩnh Long) cho biết: “Con gái tôi năm nay gần 3 tuổi nhưng bé rất sợ và lười đánh răng.
Tôi nghĩ răng sữa rồi sẽ thay nên không chú ý nhiều nhưng gần đây tôi thấy răng con có sâu, xiết mòn 2 răng sữa hàm trên, nên đi khám, nha sĩ hướng dẫn tôi vệ sinh răng miệng lại đúng cách cho con”.
Vĩnh Long là tỉnh đầu tiên được chọn thực hiện mô hình dự phòng và chăm sóc răng miệng phối hợp trường trạm.
Mô hình được triển khai tại 4 điểm trường tiểu học trên địa bàn xã An Phước- Mang Thít và xã Trung Hiệp- Vũng Liêm, với các hoạt động giáo dục và hướng dẫn vệ sinh răng, miệng, khám đánh giá trình trạng sức khỏe răng, miệng học sinh, điều trị bệnh lý răng, miệng như nhổ răng sữa lung lay, chữa răng sâu và quản lý sức khỏe răng, miệng học sinh bằng hệ thống công nghệ thông tin.
Thông qua các hoạt động của mô hình đã giúp học sinh tiểu học hiểu đúng hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng, phòng ngừa sâu răng, cách chăm sóc sức khỏe răng miệng để có hàm răng khỏe đẹp.
Em Trần Thị Xuân Uyên (lớp 5, Trường Tiểu học An Phước A- Mang Thít) cho biết: “Hôm nay, các bác sĩ chỉ cho con thực hiện các biện pháp bảo vệ răng miệng, phòng ngừa sâu răng đó là đánh răng thường xuyên và không ăn nhiều bánh kẹo ngọt. Con sẽ thực hiện thật tốt để có hàm răng khỏe đẹp”.
Theo PGS.TS Trần Cao Bính- Chủ tịch Hội Răng- hàm- mặt Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Răng- hàm- mặt Trung ương, hầu hết bệnh răng miệng có thể phòng ngừa và điều trị bằng cách thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe răng miệng trong cộng đồng.
Người trưởng thành và trẻ em nên duy trì thói quen khám răng định kỳ 2 lần/năm, chải răng 2 lần/ngày. Đặc biệt, mỗi lần chải răng ít nhất 2 phút để có hàm răng chắc khỏe.
“Vệ sinh răng miệng tức là làm sạch miệng, không tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh răng miệng. Phụ huynh khi thấy trẻ xuất hiện những chiếc răng đầu tiên cần phải giúp con làm quen với việc đánh răng bằng cách bôi một ít kem đánh răng vào gạc rồi quấn quanh đầu ngón tay để chà răng cho bé. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh sâu răng thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra và được hướng dẫn điều trị kịp thời”-BS.CK2 Lê Trung Chánh- Giám đốc Bệnh viện Răng- hàm- mặt Trung ương tại TP Hồ Chí Minh cho biết. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin