Bị thủng ruột vì thói quen... ngậm tăm

Cập nhật, 06:17, Thứ Năm, 09/02/2023 (GMT+7)
Hình ảnh tăm tre đâm thủng ruột và xuyên tĩnh mạch chủ dưới.
Hình ảnh tăm tre đâm thủng ruột và xuyên tĩnh mạch chủ dưới.

(VLO) Thời gian qua, các bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp người bệnh bị thủng ruột vì nuốt phải tăm, phần lớn do thói quen ngậm tăm khi nằm ngủ nên sơ suất nuốt tăm lúc nào không hay biết.

Thủng ruột do ngậm tăm

Thông tin từ BVĐK Trung ương Cần Thơ cho hay, bệnh nhân (BN) L.Q.M. (59 tuổi) đã được phẫu thuật lấy thành công chiếc tăm tre nhọn đâm thủng thành ruột non (đoạn tá tràng) và xuyên qua tĩnh mạch chủ dưới đến cơ thắt lưng chậu phải.

Theo người nhà cho biết, BN có thói quen ngậm tăm sau khi ăn, thỉnh thoảng ngủ quên luôn. Nên việc nuốt tăm thời điểm nào không rõ, tuy nhiên tình trạng đau vùng bụng bên phải đã xảy ra khoảng nửa tháng trước, sau đó ho nhiều, kèm sốt.

Khi thấy BN ăn uống kém, suy kiệt, đau bụng kéo dài, gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ làm các xét nghiệm để chẩn đoán ghi nhận có dị vật cản quang dạng đường đâm xuyên tĩnh mạch chủ dưới và cơ thắt lưng chậu. Đồng thời BN còn bị viêm phổi, tràn dịch màng phổi hai bên.

Do tình trạng nhiễm trùng toàn thân nặng, BN được hồi sức tích cực, nâng đỡ thể trạng, sau đó được phẫu thuật bộc lộ tĩnh mạch, xẻ ổ áp xe lấy mủ xanh đục, bên trong ổ áp xe có dị vật là chiếc tăm tre nhọn dài khoảng 6,5cm. Một phần của đoạn tăm xuyên vào lòng tĩnh mạch chủ dưới.

Thời gian qua, các bệnh viện trên cả nước tiếp nhận nhiều trường hợp nuốt tăm gây thủng ruột. Dịp Tết, BVĐK Quảng Nam đã gắp thành công chiếc tăm tre nhọn 3cm xuyên thủng tá tràng cho nữ BN 56 tuổi.

BVĐK Sóc Trăng cũng phát hiện dị vật là 3 cây tăm tre nằm tại thân vị dạ dày một BN nam 40 tuổi cũng có thói quen ngậm tăm.

BVĐK Đồng Tháp đã phẫu thuật lấy ra 11 cây tăm trong bụng người đàn ông. BN nam 47 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội.

Trước đó, trong lúc nhậu BN có thể đã nuốt phải các cây tăm khi ăn món gỏi. Ngoài ra, BN cũng có thói quen ngậm tăm xỉa răng khi ngủ, nên cũng có thể đã nuốt luôn tăm.

Bác sĩ Liêu Vĩnh Đạt - Phó Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu, BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết nuốt dị vật như xương cá hay tăm nhọn, răng giả... thường xảy ra ở người lớn tuổi, trẻ em; có khi vô ý và nạn nhân không phát hiện mình nuốt dị vật. Nếu không phát hiện sớm, dị vật đâm xuyên thủng ruột, biến chứng nhiễm trùng rất nguy hiểm.

Ngậm tăm do xỉa răng - thói quen cần bỏ

Các bác sĩ nha khoa cũng cho hay, xỉa răng bằng tăm gây ra những tổn thương cho lợi và xương răng, nặng hơn là những bệnh lý về răng miệng.

Hình ảnh tăm tre được bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ lấy ra.
Hình ảnh tăm tre được bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ lấy ra.

Dùng tăm xỉa răng làm cho các kẽ hở trở nên rộng ra, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng răng bị thưa và những mẫu vụn thức ăn lại có cơ hội bám chặt hơn vào những khe hở răng đó, gây sâu răng, hôi miệng… Thậm chí, chiếc tăm này có thể làm chảy máu chân răng và đâm vào nướu làm cho nướu sưng viêm.

Tăm tre cực kỳ nguy hiểm với trẻ em, với tính tò mò, khi thấy người lớn dùng tăm để vệ sinh răng miệng, trẻ có thể bắt chước làm theo và có thể nuốt phải tăm gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo các bác sĩ, sử dụng tăm là thói quen của nhiều người, trong đó một số người còn có thói quen ngậm tăm sau khi ăn, rồi ngặm khi nằm nghỉ, khi đi dạo, thậm chí cả khi nói chuyện, vừa mất thẩm mỹ vừa có thể gây nguy hiểm cho bản thân nếu không may nuốt phải.

Nuốt tăm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, thường là tăm đâm xuyên thủng ống tiêu hóa.

Nhiều trường hợp tăm xuyên thủng dạ dày, xuyên gan, xuyên tim. Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp nuốt phải tăm xỉa răng không biết mình đã nuốt phải dị vật vốn quen thuộc nhưng vô cùng nguy hiểm này.

BS.CK2 Vương Trương Chí Sinh - Trưởng Khoa Liên khoa BVĐK Tư nhân Triều An - Loan Trâm, khuyến cáo mọi người cần lưu ý khi ăn uống, đặc biệt là cần bỏ các thói quen như nhai xương, ngậm tăm. Nên tập trung ăn uống, nhai kỹ và bỏ các thói quen không tốt để hạn chế dị vật lọt vào đường ăn, đường thở.

BS.CK2 Vương Trương Chí Sinh - Trưởng Khoa Liên khoa BVĐK Tư nhân Triều An - Loan Trâm

Khi vừa nuốt phải dị vật tuyệt đối không cố nuốt thêm thức ăn, uống nước, nuốt một số loại quả, vỏ, lá… chữa hóc với mục đích làm “trôi” dị vật, rất rủi ro, càng làm dị vật đâm sâu vào thực quản, gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp nuốt trôi xuống đường tiêu hóa dưới cũng có thể đâm vào dạ dày, ruột gây thủng, gây tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa,… dẫn tới nhiễm trùng và gây biến chứng nguy hiểm.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN