Báo động người trẻ đột quỵ tăng nhanh

05:11, 01/11/2022

Theo TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ kiêm Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới. Số bệnh nhân (BN) đột quỵ trẻ hiện gia tăng rất nhanh, độ tuổi dưới 40 đã chiếm 5%.

Mỗi ngày, bệnh nhân đến khám điều trị các bệnh lý tim mạch, đột quỵ rất đông tại BVĐK Quốc tế S.I.S..
Mỗi ngày, bệnh nhân đến khám điều trị các bệnh lý tim mạch, đột quỵ rất đông tại BVĐK Quốc tế S.I.S..

(VLO) Theo TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ kiêm Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới. Số bệnh nhân (BN) đột quỵ trẻ hiện gia tăng rất nhanh, độ tuổi dưới 40 đã chiếm 5%.

Đặc biệt, số liệu thống kê cho thấy mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh có khoảng 300 BN đột quỵ, số người trẻ mắc bệnh tăng nhanh.

Nghiện thuốc lá, nguy cơ đột quỵ cao

Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ do thói quen xấu đang gia tăng ở người trẻ và cần đặc biệt phải báo động. Một số thói quen xấu như: hút thuốc lá, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, lạm dụng rượu bia…

Những thói quen xấu này khiến cho người trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì… đến gần hơn với đột quỵ. Đáng lưu ý, nghiện thuốc lá, hút thuốc số lượng lớn mỗi ngày là yếu tố nguy cơ thúc đẩy đột quỵ.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, gây đột quỵ. Với những BN tiền sử bị xơ vữa động mạch, thuốc lá thúc đẩy quá trình này nghiêm trọng hơn.

Anh N.K.D. (35 tuổi, TP Vĩnh Long) bị đau đầu, chóng mặt nên gia đình khuyên anh đến BVĐK Quốc tế S.I.S. Cần Thơ để khám chuyên khoa về tim mạch, đột quỵ. Bác sĩ chẩn đoán anh bị tăng huyết áp, đề nghị anh giảm thuốc lá, rượu bia… nhằm tránh nguy cơ diễn tiến nặng.

Anh T.H.T. (An Giang) lâu nay không bị tăng huyết áp, không bị đái tháo đường nhưng anh hút thuốc lá khá nhiều, trong hơn 20 năm. Gần đây, anh bị xây xẩm, chóng mặt… nên người thân đưa đến TP Cần Thơ thăm khám.

Tầm soát đột quỵ thì phát hiện anh T. bị hẹp rất nặng ở động mạch cảnh trong trái, được tư vấn nhập viện can thiệp. Sau đó, anh được chỉ định đặt stent cảnh và đã thực hiện thành công.

“Tôi mới 47 tuổi nên đâu nghĩ mình có nguy cơ bị đột quỵ. Vì vậy, hàng ngày vẫn hút cả bao thuốc lá và thường uống rượu bia với bạn bè. Không ngờ lần này vào viện mới phát hiện mình bị hẹp động mạch rất nặng…” - anh T. thở dài.

Thay đổi lối sống, phòng ngừa đột quỵ

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế đứng hàng thứ nhất trong tất cả bệnh. Trung bình hàng năm tại ĐBSCL, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ điều trị cho trên 25.000 BN. Song, hiện nay, mỗi ngày có 700 - 800 người đến khám, điều trị, tăng gấp đôi so năm trước.

Sau đại dịch COVID-19 các yếu tố đông máu trên những trường hợp đã mắc bệnh khiến nguy cơ đột quỵ trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng.

BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ thời gian qua đã tiếp nhận nhiều ca đông máu bất thường ở tĩnh mạch não, động mạch não, động mạch phổi, động mạch vành.

Có lối sống lành mạnh, khoa học để tránh nguy cơ đột quỵ.
Có lối sống lành mạnh, khoa học để tránh nguy cơ đột quỵ.

Điều đáng nói, các ca đột quỵ ngày càng trẻ, thậm chí có trường hợp hiếm gặp khi trẻ mới 4 tuổi cũng bị đột quỵ do tắc tĩnh mạch nội sọ. Ngoài nguyên nhân bệnh lý, các chuyên gia y tế đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ từ lối sống, thói quen sinh hoạt.

TS.BS Trần Chí Cường cho biết, điều khiến ông trăn trở là số người trẻ bị đột quỵ đang tăng cao. Trong số các nguyên nhân, có tình trạng lạm dụng thuốc lá của giới trẻ.

“Tuổi trẻ giống như cây non đang lớn, nếu lạm dụng thuốc lá sẽ có nguy cơ tăng đột quỵ, ung thư, ảnh hưởng đến chất lượng dân số về lâu dài. Do đó, ngành chức năng cần tuyên truyền, cảnh báo, hạn chế việc sử dụng thuốc lá ở giới trẻ”- bác sĩ Trần Chí Cường lưu ý.

Ngoài ra, áp lực căng thẳng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, khi quá căng thẳng không những ảnh hưởng đến hiệu quả công việc mà ngay cả sức khỏe của bản thân cũng không được đảm bảo.

“Vậy để phòng ngừa tốt nhất đột quỵ thì đầu tiên chính là cân bằng chất lượng cuộc sống, điều chỉnh thời gian làm việc, chế độ ăn uống hợp lý.

Ví dụ thường gặp ở nhân viên văn phòng: Việc ngồi nhiều sẽ tích tụ mỡ ở bụng và chế độ ăn uống bất hợp lý vì thường họ sẽ chọn những thức ăn tiện lợi và nhanh chóng, những món ăn đó thường chứa nhiều dầu mỡ dẫn đến béo phì. Đặc biệt khi căng thẳng sẽ gây ra nhức đầu và cao huyết áp.

“Ăn nhiều rau xanh, trái cây giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Gia vị ăn cần được nêm nếm cân bằng hơn, ăn nhạt, không quá mặn và không quá ngọt để tốt cho tim mạch cũng như những đối tượng mắc bệnh tiểu đường.

Quan trọng nhất là hạn chế bia rượu vì những hậu quả mà bia rượu mang lại không những gây hại cho sức khỏe như cao huyết áp, xơ gan, bệnh lý tim mạch mà còn ảnh hưởng cho gia đình và xã hội”- TS.BS Chí Cường chia sẻ.

Để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện phương án phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những người có nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có các bệnh lý nền khác cần chủ động tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ. Cần bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, sống lành mạnh, khoa học.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh