Nhiều trẻ mắc tay chân miệng độ 2-3 ở Đồng bằng sông Cửu Long

03:05, 30/05/2022

Đã có một trường hợp mắc tay chân miệng ở Bình Thuận tử vong. Trẻ đến khám và nhập viện đang gia tăng.

Đã có một trường hợp mắc tay chân miệng ở Bình Thuận tử vong. Trẻ đến khám và nhập viện đang gia tăng.

Một bệnh nhi mắc tay chân miệng được phụ huynh đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhập viện ngay trong đêm - Ảnh: X.MAI
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng được phụ huynh đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhập viện ngay trong đêm - Ảnh: X.MAI

Ngày 29/5, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết kể từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 đến nay, lượng bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám và nhập viện gia tăng đột biến. Riêng trong tháng 5, lượt bệnh khám đã tăng gấp 7 lần so với tháng 4, trong đó tại khoa nhiễm kể từ đầu tháng 5 đến nay, mỗi ngày có 100 trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

BS Trương Cẩm Trinh - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết ngoài bệnh nhi tại Cần Thơ, bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp đến từ Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh... Theo cảnh báo từ các địa phương phía Nam, đặc biệt khu vực miền Tây Nam Bộ, bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng.

Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho hay bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở nhóm trẻ nhỏ, phổ biến nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi học nhà trẻ, mẫu giáo. Đa số trẻ nhập viện bệnh ở độ 2, độ 3. 

Tuy nhiên, theo thông lệ càng về cuối năm cảnh báo trẻ mắc tay chân miệng có biến chứng sẽ gia tăng theo. Vì vậy phụ huynh cần lưu ý việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp cho việc điều trị tốt hơn, trẻ được chăm sóc, theo dõi sát và hạn chế biến chứng.

Còn tại TP.HCM, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), từ ngày 13 đến 19/5 toàn TP đã ghi nhận 882 ca tay chân miệng (gồm 787 ca bệnh ngoại trú, 95 ca nội trú), tăng 137% so với trung bình 4 tuần trước (372 ca).

PGS Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết hiện trẻ đến khám và nhập viện vì mắc bệnh tay chân miệng tại bệnh viện tuy có tăng nhưng hầu hết là độ 1 và 2. Chưa có ca nào nặng cần thở máy hay lọc máu.

Dự kiến về số trẻ mắc tay chân miệng trong thời gian tới, ông Quang cho rằng do đang trong thời điểm dịch bệnh tay chân miệng nên số ca mắc sẽ tăng nhưng hầu hết là nhẹ, khác với bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng và nặng. Tuy vậy khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng trở nặng (thường từ ngày thứ 3 đến ngày 6 của bệnh) thì diễn tiến rất nhanh, có thể tử vong trong 24 giờ.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng nặng gồm: sốt cao 39-40oC, sốt cao khó hạ, sốt kéo dài trên 2 ngày; giật mình chới với khi ngủ hoặc lúc bắt đầu thiu thiu ngủ; run tay chân, đi đứng loạng choạng; nôn ói nhiều; lừ đừ hoặc bứt rứt, quấy nhiều; thở bất thường; tay chân lạnh, nổi bông, vã mồ hôi.

"Phụ huynh không được chủ quan mà phải đưa trẻ tái khám theo y lệnh bác sĩ sau 1-2 ngày và luôn theo dõi các dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng trong 7 ngày. Khi có các dấu hiệu cảnh báo, lập tức đưa ngay trẻ đến khám tại cơ sở y tế, bất kể giờ giấc", ông Quang nhấn mạnh.

Theo XUÂN MAI - THÁI LŨY/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh