Ở Singapore, bắt động vật hoang dã có thể bị phạt cả tỉ đồng

05:06, 03/06/2024

Xung quanh chuyện giăng bẫy chim trời trong thành phố, nhiều bạn đọc bức xúc và đề nghị nên áp dụng cách phạt của Singapore. Singapore xử phạt việc bắt động vật hoang dã ra sao?

 

 

Công viên Duxton Plain, Singapore, với nhiều cây xanh và chim bồ câu - Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA
Công viên Duxton Plain, Singapore, với nhiều cây xanh và chim bồ câu - Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA

Xung quanh chuyện giăng bẫy chim trời trong thành phố, nhiều bạn đọc bức xúc và đề nghị nên áp dụng cách phạt của Singapore. Singapore xử phạt việc bắt động vật hoang dã ra sao?

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, sau bài viết Giăng bẫy chim trời trên cây xanh thành phố, nhiều bạn đọc cho rằng bẫy chim trời là tận diệt môi trường xanh và đề nghị phải có biện pháp xử lý thật nặng mới mong hạn chế tình trạng này.

Theo gợi ý của bạn đọc, cần xem cách Singapore - quốc gia được mệnh danh là "thành phố trong thiên nhiên" - xử lý việc này ra sao rồi áp dụng.

Thực tế, câu chuyện bảo vệ thiên nhiên, muông thú của nước bạn có nhiều điều thú vị.

Phạm tội vì... cho chim ăn không đúng chỗ

Theo Channel News Asia, tháng 7-2023, tòa án Singapore phạt ông V Rajandran, 67 tuổi, đến 4.800 đô la Singapore (gần 90 triệu đồng) sau khi ông nhiều lần bị bắt quả tang cho chim bồ câu ăn dù không được phép làm vậy.

Ông thường mua khoảng 20-30 đô la Singapore (370.000 - 565.000 đồng) bánh mì hoặc đem theo cơm thừa rải xuống vỉa hè và bãi cỏ cho bồ câu ăn.

Cảnh sát nhiều lần nhắc nhở ông Rajandran không được cho bồ câu ăn, nhưng ông vẫn tiếp tục tái phạm, tổng cộng 16 lần.

Luật Singapore nghiêm cấm người dân cho động vật hoang dã mà họ bắt gặp trên đường phố ăn vì sợ làm vậy sẽ khuyến khích hành vi ngỗ ngược từ những con vật này, khiến chúng khó kiểm soát.

Người lần đầu phạm tội cố ý cho động vật hoang dã ăn có thể bị phạt tới 5.000 đô la Singapore. Những người vi phạm nhiều lần sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 10.000 đô la Singapore (188 triệu đồng). Nếu không nộp phạt, có thể bị phạt tù đến 6 tháng.

Riêng trong trường hợp của ông Rajandran, những con bồ câu mà ông cho ăn là bồ câu đá - một loài du nhập xâm lấn, cạnh tranh với các loài bản địa mà cơ quan bảo tồn thiên nhiên nước này đang nỗ lực khống chế số lượng.

Theo một nghiên cứu, có tới 190.000 con bồ câu đá sống ở Singapore.

Chóng mặt với số tiền phạt

Là một đất nước hạn chế về mặt diện tích, Singapore phải cân bằng giữa môi trường sống tự nhiên và phát triển đô thị, với mục tiêu trở thành một "thành phố trong thiên nhiên".

Không chỉ chú trọng thực hiện các biện pháp bảo tồn, Singapore nổi tiếng có luật pháp nghiêm ngặt đi kèm các hình phạt nặng đối với những người có hành vi làm tổn hại đến thiên nhiên.

Bắt thú hoang, phạt gần 1 tỉ: Xét môi trường thiên nhiên phong phú và đa dạng sinh học ở Singapore, việc bắt gặp động vật hoang dã trên đường phố hay trong đời sống hằng ngày có thể nói là chuyện như cơm bữa ở đây.

Tuy nhiên, tốt nhất là đừng nên làm gì khi gặp những con vật đó. Nếu giết, bẫy hoặc bắt động vật hoang dã mà không có sự chấp thuận của cơ quan chức năng được xem là hành vi phạm tội ở Singapore.

Theo tờ Straits Times, những người bị kết tội có thể bị phạt tới 50.000 đô la Singapore (hơn 940 triệu đồng) hoặc bị bỏ tù tới 2 năm.

Cấm ngắt lá cây, lượm trái chín rụng ven đường: Đạo luật công viên và cây xanh của đảo quốc sư tử không cho phép làm hư hại, thu thập, hoặc loại bỏ các bộ phận của cây (chẳng hạn như ngắt lá) trồng ở công viên, vườn và cả ven đường.

Theo Straits Times, cây trồng ở những khu vực này đa phần do Ủy ban Vườn quốc gia Singapore quản lý, do đó việc hái, lượm trái chín rụng tự nhiên xuống đất cũng bị cấm.

Các cá nhân và tổ chức có nhu cầu thu thập hạt giống, cành giâm hoặc trái cây để nghiên cứu, giáo dục, nhân giống, làm từ thiện hoặc các mục đích khác phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để xin phép.

Người vi phạm các quy định trên có thể bị phạt tới 5.000 đô la Singapore (94 triệu đồng).

Sở dĩ nghiêm cấm những hành vi trên là do chính phủ lo ngại người dân có thể thu thập, hái, lượm sai cách, làm hư hại cây.

Mặt khác, Ủy ban Vườn quốc gia Singapore có chủ đích để nguyên trái chín cho quần thể động vật bản địa. Ví dụ, sáo xanh (Aplonis panayensis) ở Singapore thường ăn các loại trái cây mềm như xoài và đu đủ.

Nhiều bạn đọc cho rằng bẫy chim trời là tận diệt môi trường xanh và đề nghị phải có biện pháp xử lý thật nặng mới mong hạn chế tình trạng này.

Theo PHAN BẢO/TTO

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh