Tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới trở nên trầm trọng hơn vào năm 2023, với khoảng 282 triệu người thiếu ăn do các cuộc xung đột, đặc biệt là ở Gaza và Sudan.
Tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới trở nên trầm trọng hơn vào năm 2023, với khoảng 282 triệu người thiếu ăn do các cuộc xung đột, đặc biệt là ở Gaza và Sudan.
Người dân chờ nhận lương thực viện trợ ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 30/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 24/4, các nhóm phát triển và cơ quan Liên hợp quốc cho biết tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới trở nên trầm trọng hơn vào năm 2023, với khoảng 282 triệu người thiếu ăn do các cuộc xung đột, đặc biệt là ở Gaza và Sudan.
Theo báo cáo mới nhất của Mạng thông tin an ninh lương thực (FSIN) về các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, số người bị đói năm ngoái tăng hơn 24 triệu người so năm 2022.
Báo cáo lưu ý 2023 là năm thứ 5 liên tiếp tình hình mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn.
Số người đói tăng năm ngoái chủ yếu do báo cáo mở rộng phạm vi địa lý và tình hình xấu đi tại 12 quốc gia.
Phó Giám đốc Văn phòng khẩn cấp thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), bà Fleur Wouterse cho biết có thêm nhiều khu vực trải qua "cú sốc mới hoặc mạnh hơn" trong khi một số nơi ghi nhận cuộc khủng hoảng lương thực diễn biến nghiêm trọng hơn như Sudan và Dải Gaza.
Năm ngoái, khoảng 700.000 người, trong đó có 600.000 người tại Gaza, đang ở bờ vực nạn đói. Đến nay, con số này đã tăng lên 1,1 triệu người.
Theo bà Wouterse, số người đói tăng từ 108 triệu người lên 282 triệu người, kể từ báo cáo đầu tiên của FSIN năm 2016.
Những cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng và kéo dài đang xảy ra tại các nước Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Nigeria, Syria và Yemen.
Báo cáo nhận định các hiện tượng thời tiết cực đoan và kinh tế sụt giảm là những yếu tố làm gia tăng số người đối mặt với nạn đói.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, là nguyên nhân chủ yếu khiến 72 triệu người đói tại 18 nước, trong khi kinh tế khó khăn đẩy 75 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo tại 21 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cũng theo báo cáo, xung đột hoặc an ninh bất ổn là nguyên nhân chính gây ra nạn đói cho 135 triệu người tại 20 nước và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy một điểm tích cực khi tình hình an ninh lương thực cải thiện tại 17 nước, trong đó Ukraine.
Trong báo cáo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres viết rằng: "Trong một thế giới đầy đủ, nhiều trẻ em lại sắp chết đói. Chiến tranh, biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, cùng với hành động chưa quyết liệt, khiến gần 300 triệu người đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng vào năm 2023".
Ông Guterres cho rằng nguồn tài trợ không theo kịp nhu cầu thực tế.
Bà Wouterse lưu ý tiến triển trong năm 2024 sẽ tùy thuộc vào việc chấm dứt xung đột, đồng thời khẳng định viện trợ có thể nhanh chóng giảm tác động của cuộc khủng hoảng như tại Gaza và Sudan một khi có khả năng tiếp cận các khu vực này.
Báo cáo trên do các cơ quan Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ thực hiện.
Theo Báo điện tử Nhân dân/TTXVN