Kinh tế Thái Lan có thể bị thiệt hại 1 tỷ USD do thời tiết cực đoan

04:06, 08/06/2023

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ hỗn hợp Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan (JSCCIB), hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác do biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến nền kinh tế Thái Lan thiệt hại 36 tỷ bạt (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023.

 

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ hỗn hợp Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan (JSCCIB), hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác do biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến nền kinh tế Thái Lan thiệt hại 36 tỷ bạt (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023.

Hạn hán khiến hồ Kwan Phayao ở tỉnh Phayao, Thái Lan, cạn kiệt nước.
Hạn hán khiến hồ Kwan Phayao ở tỉnh Phayao, Thái Lan, cạn kiệt nước.

Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, một thành viên của JSCCIB cho biết, khan hiếm nước do hạn hán là lo ngại hàng đầu của ủy ban này, do có thể gây ra những tác động rất lớn cho các ngành nông nghiệp và sản xuất cũng như xuất khẩu.

Ông nói: “Các nhà sản xuất đang rất lo ngại về nguy cơ hạn hán bởi nó có thể gây giảm năng lực sản xuất và ảnh hưởng tới xuất khẩu, vốn đang lâm vào tình trạng trì trệ”.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Thương mại Thái Lan, trong bốn tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 92 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 2,2% xuống còn 96,5 tỷ USD và gây ra thâm hụt thương mại 4,51 tỷ USD.

Những dấu hiệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu giảm sút đã xuất hiện từ cuối năm 2022, khi các chỉ số kinh tế quan trọng cho thấy lượng hàng hóa xuất khẩu giảm trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ suy thoái trong năm 2023.

Trước đó, vào ngày 31/5, JSCCIB đã gửi tới Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha một đề xuất nhằm đối phó với tình trạng hạn hán. Ủy ban này hy vọng sẽ cùng với Chính phủ Thái Lan tìm cách ngăn chặn các tác động nghiêm trọng do thiếu nước gây ra.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan chức năng chuẩn bị các giải pháp trung và dài hạn nhằm bảo đảm cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án ở Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), có thể tiếp tục hoạt động.

Khu vực EEC, với quy mô trải qua 3 tỉnh Chon Buri, Rayong và Chachoengsao, là nơi quy tụ nhiều nhà máy thuộc 12 ngành công nghiệp quan trọng, được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao của đất nước và là động lực thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan.

Theo ông Kriengkrai, các doanh nghiệp đã chuẩn bị các kế hoạch xử lý rủi ro nhằm đối phó các vấn đề lũ lụt và hạn hán. Trong ngành công nghiệp sản xuất, các công ty đang áp dụng các biện pháp 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nước) nhằm bảo đảm có đủ nước để sử dụng trong quá trình sản xuất. Các công ty cũng đang thuyết phục người nông dân sử dụng nhiều hơn nữa các công nghệ sáng tạo nhằm giúp họ bảo tồn các nguồn cung cấp nước quý giá.

Tuy nhiên, theo ông Kriengkrai, về mặt lâu dài, Chính phủ Thái Lan cần đóng một vai trò quan trọng trong đối phó với các vấn đề liên quan tới hạn hán và lũ lụt.

Ông nói rằng trước đây FTI đã kêu gọi Chính phủ Thái Lan cân nhắc các đề xuất đối phó với hạn hán mà Viện Nước và Môi trường vì sự bền vững trực thuộc FTI soạn thảo. Trong số các đề xuất này, có biện pháp chuẩn bị các máy bơm nước và chuyển hướng dòng nước từ các khu vực nhất định, bao gồm sông Bang Pakong tới Hồ dự trữ nước Prasae ở Rayong, trong khu vực EEC.

Chính phủ Thái Lan cũng cần đẩy nhanh việc xây dựng Hồ trữ nước Khlong Wang Tanod ở tỉnh phía đông Chanthaburi và sửa đổi kế hoạch phát triển nguồn nước 20 năm nhằm có thể đối phó tốt hơn với nguy cơ hạn hán trong vòng một đến ba năm tới.

Theo NAM ĐÔNG/Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh