Theo một nghiên cứu nhanh của các nhà khoa học quốc tế được công bố hôm 24/5, biến đổi khí hậu làm tăng ít nhất 30 lần khả năng xảy ra những đợt nắng nóng bất thường như những gì xảy ra ở Nam Á hồi tháng 4 vừa qua.
Theo một nghiên cứu nhanh của các nhà khoa học quốc tế được công bố hôm 24/5, biến đổi khí hậu làm tăng ít nhất 30 lần khả năng xảy ra những đợt nắng nóng bất thường như những gì xảy ra ở Nam Á hồi tháng 4 vừa qua.
Người dân Bangladesh trong đợt nắng nóng đầu tháng 5/2023. Ảnh: Getty. |
Châu Á vừa trải qua tháng 4 nóng kỷ lục
Nhiệt độ lên tới 45 độ C đã được ghi nhận tại các trạm khí tượng ở nhiều vùng của Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Lào vào tháng trước – mức cao bất thường vào thời điểm này so với trung bình các năm.
Nắng nóng do biến đổi khí hậu thậm chí gây tử vong, khiến nhiều người phải nhập viện, đường sá bị hư hỏng, gây ra các đám cháy và dẫn đến việc nhiều trường học phải tạm đóng cửa.
Tại Thái Lan, nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm khiến một số vùng của nước này ghi nhận nhiệt độ lên tới 50 độ C. Tại Ấn Độ, nhiều khu vực trên khắp cả nước bị ảnh hưởng vì nắng nóng cực đoan, khiến 13 người chết tại một sự kiện công cộng ở Mumbai. Bang Tây Bengal, miền Đông Ấn Độ cũng đã phải đóng cửa tất cả các trường học và trường cao đẳng trong một tuần.
Nghiên cứu của tổ chức The World Weather Attribution (WWA) cho thấy nhiệt độ nóng hơn ít nhất 2 độ C trong khu vực do biến đổi khí hậu.
Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu ấm hơn tới 2 độ C so với cuối những năm 1800, thì đợt nắng nóng như tháng 4/2023 có thể xảy ra cứ mỗi 1-2 năm một lần ở Ấn Độ và Bangladesh, nghiên cứu cho biết. Hiện tại, thế giới đang ghi nhận mức nhiệt ấm hơn khoảng 1,1 đến 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Một nghiên cứu khác mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change hồi trung tuần tháng 5 chỉ rõ, thế giới có thể đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C nếu mọi quốc gia đáp ứng được tất cả các cam kết đưa ra tính đến tháng 6/2022 về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bao gồm cả cam kết trung và dài hạn..
Theo nghiên cứu, nếu các quốc gia chỉ đáp ứng các mục tiêu cam kết đến năm 2030 sẽ không đủ để hạn chế Trái đất nóng lên ở mức 1,5 độ C hoặc thấp hơn 2 độ C. Tuy nhiên, nếu chính phủ các nước đạt được các cam kết về khí hậu đến năm 2030, 2050 và 2070, sự nóng lên của Trái đất có khả năng được hạn chế ở mức 1,7 - 1,8 độ C.
Friedrike Otto, nhà khoa học khí hậu cấp cao tại Đại học Hoàng gia London và là một trong những tác giả của nghiên cứu WWA cho biết: “Chúng tôi đã không ít lần chứng kiến biến đổi khí hậu làm tăng đáng kể tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng, một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhất”.
Tất cả cần phải hành động
Các kế hoạch hành động chống nóng do chính phủ điều hành và tài trợ nhằm mục đích giúp mọi người đối phó với nhiệt độ cực cao thông qua các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo cho nhân viên y tế, phát triển các phương pháp làm mát với giá cả phải chăng – cần được triển khai nhanh hơn ở Ấn Độ và các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng cao, các tác giả của nghiên cứu lưu ý.
Emmanuel Raju, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thảm họa Copenhagen tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch và hai chuyên gia khác tham gia nghiên cứu cho biết: “Nhiều người dân ở khu vực này không có khả năng tiếp cận với các giải pháp chăm sóc sức khỏe và làm mát như quạt và máy điều hòa không khí”.
Ông Raju nhấn mạnh rằng nắng nóng ảnh hưởng nhiều nhất đến những người nghèo nhất và những người buộc phải làm việc ngoài trời – người nông dân, người bán hàng rong và công nhân xây dựng.
“Điều quan trọng là phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề là ai có thể đối phó và thích nghi với cái nóng. Nhiều người vẫn đang hồi phục sau đại dịch Covid-19, các đợt nắng nóng và lốc xoáy trước đây khiến họ bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn”, Raju chia sẻ.
Theo nhiều nghiên cứu về khí hậu toàn cầu, khu vực Nam Á được coi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên thế giới. Nhưng Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất nhì thế giới hiện cũng là quốc gia phát thải khí nóng đứng thứ ba trên thế giới.
Ý kiến của nhiều nhà khoa học cho rằng, các biện pháp quyết liệt để giảm lượng khí thải carbon dioxide ngay lập tức là giải pháp duy nhất để làm chậm đà ấm lên toàn cầu.
Chaya Vaddhanaphuti, giáo sư tại Đại học Chiang Mai, Thái Lan nêu quan điểm: “Các đợt nắng nóng sẽ trở nên phổ biến hơn, nhiệt độ sẽ tăng cao hơn và số ngày nắng nóng sẽ tăng lên và thường xuyên hơn nếu chúng ta tiếp tục ‘bơm’ khí nhà kính vào khí quyển”.
Vimal Mishra, giáo sư tại Viện Công nghệ Ấn Độ ở Gandhinagar, người chuyên nghiên cứu về khí hậu của khu vực thừa nhận tầm quan trọng của các nghiên cứu giúp xác định các hiện tượng thời tiết cụ thể đối với biến đổi khí hậu nhưng cho rằng tất cả chúng ta cần hành động nhiều hơn và mạnh mẽ hơn.
“Chúng ta nên vượt ra ngoài thái độ quy kết và chỉ biết nói về việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thời tiết một cách cơ bản như thế nào. Thay vào đó, chúng ta nên xem xét cách để có thể phát triển khả năng phục hồi khí hậu”, giáo sư Mishra nói./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch)
Nguồn: AP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin