WHO cảnh báo dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn

Cập nhật, 19:28, Thứ Năm, 20/04/2023 (GMT+7)
Ảnh minh họa: Rappler
Ảnh minh họa: Rappler

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng diễn biến phức tạp hơn, với số ca mắc mới tăng cao ở châu Á.

Theo báo cáo của WHO, trong 28 ngày qua, toàn thế giới ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc mới và thêm hơn 23.000 trường hợp tử vong do COVID-19.

Trong đó, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng gần 481% ở Đông Nam Á và 144% ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

Các nước như Singapore, Ấn Độ, Indonesia... chứng kiến làn sóng gia tăng mạnh nhất trong khu vực khi có nơi vượt quá 11.000 ca nhiễm mới/ngày.

Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới ở mức tương đối cao, khoảng 10.000 trường hợp mỗi ngày.

Các quốc gia vành đai châu Á như Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran… cũng chứng kiến số ca mắc mới tăng nhanh. Xét theo quốc gia, số ca mắc mới ở Nepal tăng nhanh nhất, lên tới 1.198%, tiếp đến là tới Ấn Độ 937%.

Chuyên gia Michael Ryan- Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO nhấn mạnh dịch COVID-19 vẫn hiện hữu và thế giới phải tiếp tục cảnh giác: “Virus biến đổi liên tục để tạo ra các biến thể mới và nó tiếp tục kiểm tra hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Virus cũng cố gắng lẩn tránh các hệ thống miễn dịch của con người vì vậy chúng ta phải nâng cao cảnh giác”.

Ông Michael Ryan cũng khẳng định, sẽ mất nhiều thời gian để dịch COVID-19 chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh đặc hữu”.

Trên thực tế, nó chỉ suy giảm xuống mức “hoạt động” thấp hơn với nguy cơ đỉnh dịch xảy ra theo mùa. Tuy nhiên, việc các virus cúm, RSV, SARS-CoV-2 tấn công vào cùng thời điểm sẽ gây ra hiệu ứng cộng hưởng và khiến hệ thống y tế tại một số nước đối mặt với sự quá tải.

Cũng theo báo cáo của WHO, biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron là biến thể chủ yếu được ghi nhận trong đợt dịch lần này và đã xuất hiện tại 20 nước. XBB.1.16 gây ra các triệu chứng tương tự các biến thể trước đó, như sốt, khó thở và ho.

Tuy độc lực của XBB.1.16 không cao nhưng vẫn được xác định là nguy hiểm đối với người trên 60 tuổi hay người suy giảm hệ thống miễn dịch. Do đó, theo ông Michael Ryan việc tiêm mũi bổ sung cho các đối tượng dễ bị tổn thương là một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống dịch.

“Chúng ta đang đi đúng quỹ đạo và như Tổng Giám đốc WHO đã nói nhiều lần, chúng ta cần tiếp tục bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, chúng ta cần cảnh giác, chúng ta cần tiếp tục tiêm mũi bổ sung và cần giải trình tự gien các biến thể để tìm ra phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất”, ông Ryan cho hay.

Dự kiến, Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 sẽ nhóm họp vào đầu tháng 5 tới để đánh giá xem liệu COVID-19 có tiếp tục là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) hay không. Tuy nhiên với những diễn biến đến thời điểm hiện tại, khả năng WHO tiếp tục duy trì cảnh báo cao nhất đối với dịch COVID-19 vẫn là rất cao.

PV (tổng hợp)