Hành trình vì sức khỏe cho tất cả mọi người

Cập nhật, 19:08, Thứ Sáu, 07/04/2023 (GMT+7)
Tại Rwanda, quốc gia Trung Phi, để đến được một cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất, người dân thường phải đi bộ một quãng đường trung bình mất 95 phút.
Tại Rwanda, quốc gia Trung Phi, để đến được một cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất, người dân thường phải đi bộ một quãng đường trung bình mất 95 phút.

(VLO) Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 7/4 hàng năm là Ngày Sức khỏe thế giới, hay còn gọi là Ngày Y tế thế giới.

Năm nay, Ngày Sức khỏe thế giới có chủ đề “Sức khỏe cho tất cả mọi người” nhằm hình dung về một tương lai nơi tất cả mọi người, kể cả hàng tỷ người không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu và có thể sống một cuộc sống trọn vẹn trong một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững.

Tại Rwanda, quốc gia Trung Phi được mệnh danh là “vùng đất nghìn ngọn đồi”, để đến được một cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất, người dân thường phải đi bộ một quãng đường trung bình mất 95 phút.

Thời gian di chuyển này đã được rút ngắn xuống còn 47 phút vào năm 2020, song việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe kịp thời vẫn là thách thức với rất nhiều người dân Rwanda.

Những khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế không chỉ xảy ra ở Rwanda mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Theo WHO, hiện có tới 30% dân số toàn cầu không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Trong khi đó, khoảng 2 tỷ người phải đối mặt với các chi phí y tế khổng lồ, với sự bất bình đẳng đáng kể ảnh hưởng tới những người sống ở những nơi dễ bị tổn thương nhất.

Khoảng 930 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói do chi tiêu y tế vượt quá 10% ngân sách hộ gia đình.

Ngày Sức khỏe thế giới 2023 cũng đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập WHO. Tổ chức này coi đây là cơ hội không chỉ để nhìn lại những thành tựu về y tế đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, mà còn để tạo động lực và thực hiện các hành động phù hợp nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe của hôm nay và mai sau.

Theo WHO, trong 75 năm qua, thế giới đã chứng kiến những tiến bộ phi thường về y tế, như thanh toán bệnh đậu mùa, gần như loại bỏ hoàn toàn bệnh bại liệt, giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai, cứu sống hàng triệu trẻ em nhờ các chương trình tiêm chủng...

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và các tình trạng khẩn cấp về y tế khác, cùng những cuộc khủng hoảng nhân đạo và khí hậu chồng chéo, bất ổn kinh tế, xung đột, đã đẩy lùi hành trình hướng tới mục tiêu sức khỏe cho mọi người của tất cả các quốc gia.

Để biến mục tiêu sức khỏe cho tất cả mọi người thành hiện thực, WHO kêu gọi các quốc gia ngăn tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế.

Bởi, việc thiếu hụt lực lượng lao động trong ngành y tế sẽ dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng đối với hệ thống y tế và trở thành rào cản trong việc cung cấp vaccine, thuốc men và các công cụ cứu sinh khác.

Thực tế đã chứng minh, việc đảm bảo cung cấp chăm sóc sức khỏe ban đầu là cách hiệu quả và tiết kiệm để mang các dịch vụ chăm sóc y tế tới gần hơn với mọi người.

Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh rằng, những thách thức y tế toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng hợp tác toàn cầu.

Giờ là lúc các nhà lãnh đạo thế giới hành động để đáp ứng những cam kết về bao phủ sức khỏe toàn dân, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe. Cùng nhau hành động, thế giới mới có thể đạt được mục tiêu sức khỏe cho tất cả mọi người.

BÙI THANH (theo baotintuc.vn)