Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào sáng sớm 6/2 là một trong những trận mạnh nhất được ghi nhận tại khu vực này trong hơn 100 năm qua, xảy ra cách 23km về phía đông Nurdagi, thuộc tỉnh Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, ở độ sâu 24,1km.
Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào sáng sớm 6/2 là một trong những trận mạnh nhất được ghi nhận tại khu vực này trong hơn 100 năm qua, xảy ra cách 23km về phía đông Nurdagi, thuộc tỉnh Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, ở độ sâu 24,1km.
Khung cảnh đổ nát sau động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Anadolu/Getty Images) |
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho biết, trận động đất có cường độ 7,8 là một trong những trận mạnh nhất được ghi nhận tại khu vực này trong hơn 100 năm qua, xảy ra cách 23km về phía đông Nurdagi, thuộc tỉnh Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, ở độ sâu 24,1km.
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều dư chấn nguy hiểm được ghi nhận sau động đất, Cơ quan Ứng phó các tình huống khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) đã kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế.
Dưới đây là tổng hợp những thông tin liên quan về trận động đất kể trên:
Cập nhật thương vong mới nhất: Theo thông tin từ giới chức 2 nước, đã có ít nhất 4.372 người đã thiệt mạng và hơn 19 nghìn người bị thương ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau động đất.
Người đứng đầu AFAD, ông Yunus Sezer cho biết, số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 2.921 vào sáng sớm 7/2 (giờ địa phương). Ngoài ra, có 15.834 người bị thương được báo cáo.
Trong khi đó, tại Syria, con số thương vong được ghi nhận là 1.451 người thiệt mạng và 3.531 người bị thương.
Sau trận động đất ban đầu, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ đã ghi nhận ít nhất 77 dư chấn, trong đó có 1 dư chấn mạnh 7,5 độ. Ba trong số các cơn dư chấn này có cường độ từ 6,0 trở lên.
Thiệt hại: Theo AFAD, ít nhất 5.606 tòa nhà đã bị sập ở Thổ Nhĩ Kỳ trong và sau trận động đất. Những báo cáo về thiệt hại tương tự cũng được ghi nhận ở miền bắc Syria.
Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Syria, ông El-Mostafa Benlamlih cho biết, nhiều tòa nhà đã sụp đổ trong khi nhiều tòa khác cũng đang có nguy cơ đổ sập.
Phản ánh trực tiếp tại hiện trường: Các nạn nhân của động đất đã mô tả về hoàn cảnh "khủng khiếp" ở tây bắc Syria. Họ cho biết trận động đất khiến “cả gia đình thiệt mạng” và “những người sống sót phải ngủ trên đường phố trong cái lạnh thấu xương”.
Phóng viên Eyad Kourdi của CNN, hiện đang có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã mô tả sức tàn phá kinh hoàng của động đất rằng, "có cảm giác như ai đó đang cố gắng xô ngã tôi".
Công tác tìm kiếm và cứu nạn tiếp tục được tiến hành khẩn trương chung quanh đống đổ nát do động đất ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2/2023. (Ảnh: Anadolu/Getty Images) |
Những thách thức ở Syria: Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, có tới hơn 4 triệu người vốn phải dựa vào hỗ trợ nhân đạo đang sinh sống trong khu vực xảy ra động đất, đa số là phụ nữ và trẻ em.
Cùng với sự tàn phá của trận động đất, các cộng đồng người Syria đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch tả đang diễn ra trong mùa đông khắc nghiệt với mưa lớn và tuyết rơi vào cuối tuần.
Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Syria cho biết, các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn đang bị cản trở do "thiếu thiết bị và máy móc hạng nặng để dọn dẹp những đống đổ nát".
Hỗ trợ quốc tế: Liên minh châu Âu đã kích hoạt cơ chế ứng phó với khủng hoảng nhằm hỗ trợ nhanh hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Jeff Flake cho biết nước này sẽ gửi 2 đội tìm kiếm và cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Palestine Muhammad Shtayyeh tuyên bố, các đội y tế và dân phòng Palestine sẽ được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ. Thủ tướng Iraq cho biết sẽ gửi viện trợ cho các nạn nhân động đất.
Ngoài ra, 10 đơn vị của quân đội Nga với tổng số hơn 300 binh sĩ đang tham gia dọn dẹp đống đổ nát và hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở Syria.
Các di tích khảo cổ bị hư hại: Theo thông tin từ các chuyên gia, một số địa điểm khảo cổ ở Syria đã bị hư hại do trận động đất.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất đã làm hư hại nặng Lâu đài Gaziantep, 1 di tích lịch sử và điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Hỗ trợ khẩn cấp: Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết, đang “khởi động hỗ trợ tài chính ngay lập tức” với nguồn tài chính lấy từ Quỹ Ứng phó thảm họa khẩn cấp để hỗ trợ công tác cứu trợ ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Theo TRUNG HƯNG/NDO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin