Tính đến 10 giờ sáng 13/2 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi đầu tuần trước đã tăng lên hơn 34 nghìn người.
Tính đến 10 giờ sáng 13/2 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi đầu tuần trước đã tăng lên hơn 34 nghìn người.
Một tòa nhà bị sập - hậu quả của trận động đất ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/2/2023. (Ảnh: Reuters) |
Theo thông báo của Trung tâm Điều phối khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (SAKOM), số người thiệt mạng do động đất ở nước này đã lên tới 29.605 người.
Ngoài ra, có khoảng 80 nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đang phải điều trị trong các bệnh viện, cùng hơn 1 triệu người mất nhà cửa đang tạm lánh nạn ở các địa điểm trú ẩn tạm thời.
Trong khi đó, con số tử vong được xác nhận ở Syria là 4.574 người, bao gồm hơn 3.160 nạn nhân ở các khu vực do lực lượng phiến quân kiểm soát ở tây bắc Syria, cùng 1.414 nạn nhân thiệt mạng ở các khu vực trong tầm kiểm soát của chính phủ.
Một tuần sau động đất, trong bối cảnh cơ hội tìm thấy người sống sót ngày càng thu hẹp dần, con số thương vong ở cả 2 quốc gia bị ảnh hưởng từ trận động đất này có thể sẽ tiếp tục tăng.
Đây là trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, cũng như được xếp hạng là thảm họa thiên nhiên tồi tệ thứ sáu trên thế giới trong thế kỷ này.
Lực lượng cứu hộ chuyển 1 người còn sống sót sau trận động đất khỏi đống đổ nát ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/2/2023. (Ảnh: Reuters) |
Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đang diễn ra hết sức khẩn trương với sự tham gia của các đoàn cứu hộ từ nhiều nước trên thế giới.
Lực lượng cứu hộ đã cứu được thêm nhiều người sống sót khỏi đống đổ nát trong cuối tuần qua, song công tác cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết giá lạnh và thiếu trang thiết bị hạng nặng.
Ở tây bắc Syria, ảnh hưởng của động đất càng trở nên nặng nề hơn do khó khăn về tiếp nhận viện trợ nhân đạo ở vùng trong tầm kiểm soát của lực lượng phiến quân. Khu vực này hiện chỉ có 1 cửa khẩu biên giới duy nhất với Thổ Nhĩ Kỳ được mở để tiếp nhận hàng viện trợ từ Liên hợp quốc.
Đại diện của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), bà Madevi Sun-Suon cho biết, 1 đoàn xe cứu trợ gồm 10 xe tải chở hàng viện trợ của Liên hợp quốc đã tiến vào tây bắc Syria qua cửa khẩu biên giới Bab Al-Hawa ngày 12/2.
Theo bà Sun-Suon, các xe tải được điều hành bởi Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc, chở theo các bộ dụng cụ hỗ trợ, gồm 12 xe tải của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), 7 xe từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 2 xe tải từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và 1 xe từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo tại cửa khẩu biên giới Bab Al-Hawa giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, ngày 9/2/2023. (Ảnh: Reuters) |
Ông Jens Laerke, người phát ngôn OCHA cho biết, cơ quan này đang xúc tiến việc mở thêm 2 tuyến đường xuyên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria tới vùng do lực lượng phiến quân kiểm soát để tăng cường các hoạt động viện trợ cho Syria.
Ngoài ra, chuyến hàng cứu trợ động đất đầu tiên của châu Âu tới các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria cũng đã đến thủ đô Damascus hôm chủ nhật.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen khẳng định châu Âu sẽ tăng cường viện trợ cho nước này để ứng phó hậu quả của trận động đất kinh hoàng vừa xảy ra.
Theo nội dung cuộc điện đàm, người đứng đầu EC cho biết, Ủy ban châu Âu sẽ huy động hỗ trợ bổ sung và đáp ứng đề nghị mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ về hỗ trợ nơi ở và các điều kiện khác cho nạn nhân động đất - đặc biệt là nhu cầu về lều, chăn và các thiết bị sưởi.
Bà Von der Leyen cũng gửi “lời chia buồn sâu sắc nhất” từ cá nhân bà và Liên minh châu Âu (EU) trước những thiệt hại thảm khốc về người và sự tàn phá do trận động đất gây ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
EU kỳ vọng sẽ huy động được nguồn viện trợ bổ sung cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong 1 hội nghị các nhà tài trợ dự kiến được tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào tháng 3 tới.
Trong thông cáo báo chí đưa ra giữa tuần trước, khối này cho biết hoạt động của EU tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất vừa qua là một trong những "hoạt động tìm kiếm và cứu hộ lớn nhất từ trước đến nay", được thực hiện thông qua Cơ chế bảo vệ dân sự của EU.
Tổng cộng có 21 quốc gia thành viên EU và 3 quốc gia tham gia vào cơ chế này đã gửi 38 đội phản ứng nhanh, gồm 1.651 người và 106 chó cứu hộ, tham gia tìm kiếm và cứu nạn sau động đất cho đến nay.
Theo TRUNG HƯNG/Báo điện tử Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin