Cuộc xung đột tại Ukraine cũng như biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm nạn đói trên toàn thế giới, trong đó chịu tác động nặng nề nhất là ở nhiều khu vực của châu Phi. Mặc dù nhận được các cam kết viện trợ quốc tế nhằm đối phó cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, song châu Phi được cảnh báo cần tự chủ hơn nữa trong sản xuất ngũ cốc và phân bón.
Nhiều trẻ em châu Phi cần viện trợ lương thực. (Ảnh: The New Humanitarian) |
Cuộc xung đột tại Ukraine cũng như biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm nạn đói trên toàn thế giới, trong đó chịu tác động nặng nề nhất là ở nhiều khu vực của châu Phi. Mặc dù nhận được các cam kết viện trợ quốc tế nhằm đối phó cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, song châu Phi được cảnh báo cần tự chủ hơn nữa trong sản xuất ngũ cốc và phân bón.
Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power (X.Pao-ơ) đã cam kết cấp khoản viện trợ 1,18 tỷ USD để giúp ngăn chặn nạn đói ở vùng Sừng châu Phi. Bà Power cho biết, tình hình đang đặc biệt nghiêm trọng ở Somalia, Ethiopia và Kenya.
Trong khi đó, vùng Sừng châu Phi được dự báo sẽ trải qua đợt hạn hán thứ năm liên tiếp vào cuối năm nay. Theo Giám đốc USAID, ít nhất 1.103 trẻ em tại đây được cho là đã tử vong và khoảng bảy triệu trẻ em khác bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng do thiếu lương thực.
Khoản viện trợ trị giá 1,18 tỷ USD của Mỹ sẽ bao gồm lương thực khẩn cấp, nhất là lúa miến, cũng như thực phẩm bổ sung được làm từ đậu phộng dành cho trẻ em suy dinh dưỡng và các dịch vụ thú y để hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi gia súc.
Côte d’Ivoire cũng đã nhận được khoản tài trợ trị giá 224 triệu euro để thực hiện chương trình sản xuất lương thực khẩn cấp nhằm tăng sản lượng ngũ cốc quốc gia và đối phó tình trạng giá lương thực tăng cao. Chương trình này được Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) tài trợ 151,18 triệu euro và Tổ chức Hợp tác Nhật Bản hỗ trợ 68,14 triệu euro.
Khoản tài trợ sẽ cho phép Côte d’Ivoire tăng sản lượng gạo, ngô và sắn của quốc gia và đối phó tình trạng giá lương thực tăng cao.
Tổng Giám đốc AfDB khu vực Tây Phi, bà Marie-Laure Akin-Olugbade (M.A.Ô-lu-gba-đê), giải thích: “Hậu quả của xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất ở Côte d’Ivoire, do giá các nhu yếu phẩm cơ bản như ngũ cốc và nhiên liệu tăng vọt”.
Đại diện AfDB lưu ý rằng, giá phân bón tăng sẽ tiếp tục làm suy yếu các nông hộ nhỏ ở nông thôn, giảm thu nhập và khiến họ rơi vào tình trạng thiếu lương thực và đói nghèo.
Chương trình của AfDB sẽ hỗ trợ mạnh mẽ lĩnh vực thiết yếu trong việc thu mua và phân phối các sản phẩm đầu vào của nông nghiệp (phân bón và hạt giống), mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất dễ bị tổn thương nhất với mục tiêu sản xuất nhiều thực phẩm hơn, tăng cường an ninh lương thực và giúp Côte d’Ivoire giảm phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Để đối phó hậu quả giá lương thực tăng cao, hồi tháng 5, AfDB đã quyết định thành lập một quỹ được gọi là Cơ sở sản xuất lương thực khẩn cấp châu Phi trị giá 1,5 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho 20 triệu nhà nông trên khắp châu Phi.
AfDB đã phê duyệt, thông qua chi nhánh trực thuộc của mình là Quỹ Phát triển châu Phi, một khoản tài trợ trị giá 5,4 triệu USD để hỗ trợ tăng cường an ninh lương thực mà Somalia cần khẩn cấp.
Giám đốc điều hành khu vực Đông Phi của AfDB, Nnenna Nwabufo (N.Noa-bu-phô) cho biết, ảnh hưởng của hạn hán kéo dài cộng thêm tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến tình trạng mất an ninh lương thực ở Somalia trở nên tồi tệ hơn.
Khoản tài trợ này cung cấp thêm kinh phí cho Chương trình an ninh thực phẩm và dinh dưỡng đa quốc gia, hỗ trợ cụ thể việc triển khai các loại hạt giống bảo đảm chất lượng và phù hợp khí hậu cũng như thiết lập các kho dự trữ thức ăn gia súc ở sáu bang của nước này.
Theo Liên hợp quốc, hơn 7,1 triệu người, tức gần một nửa số dân Somalia, đang phải đối mặt mức độ hạn hán lịch sử ở quốc gia vùng Sừng châu Phi này.
Trong bối cảnh “lục địa đen” chịu tác động nặng nề bởi cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (C.Ra-ma-phô-xa) nhấn mạnh, châu Phi nên nhìn nhận cuộc khủng hoảng ngũ cốc do xung đột giữa Nga và Ukraine như một “hồi chuông cảnh tỉnh” để lục địa này có thể trở nên tự chủ trong sản xuất ngũ cốc và phân bón. Nhà lãnh đạo Nam Phi cho rằng, các nước châu Phi cần tăng cường sản xuất lương thực để giảm nhập khẩu.
Theo Báo điện tử Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin