Kinh nghiệm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên nhìn từ Singapore

09:02, 22/02/2019

Sau khi tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên hồi tháng 6/2018, Singapore đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm khi làm chủ nhà của những sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất thế giới.

 

Cảnh sát dẫn đường cho đoàn xe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới khách sạn Capella. Ảnh: AP
Cảnh sát dẫn đường cho đoàn xe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới khách sạn Capella. Ảnh: AP

Sau khi tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên hồi tháng 6/2018, Singapore đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm khi làm chủ nhà của những sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất thế giới.

Theo tờ Al Jareeza, do Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên có lần bị thông báo hủy rồi lại được nối lại, nên nước chủ nhà Singapore gần như chỉ có đúng hai tuần để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho một sự kiện được cả thế giới trông chờ giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sự kiện nhạy cảm và phức tạp về mặt chiến lược như vậy đã diễn ra suôn sẻ, dường như không gặp bất kỳ trở ngại nào, cho dù đó là lần đầu tiên.

Thách thức của chủ nhà

Vấn đề tổ chức hàng đầu trong thời gian trước Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên ngày 12/6/2018 là an ninh, cụ thể là việc bảo vệ cho hai nhà lãnh đạo và an toàn cho các địa điểm họp cũng như khách sạn mà hai ông ở tại Singapore.

Singapore đã lên kế hoạch để kiểm soát đám đông và xử lý những bất tiện không thể tránh khỏi cho người dân, ví dụ như chặn đường, chuyển hướng phương tiện, kiểm tra an ninh…

Singapore cũng hạn chế không phận để nhường chỗ cho lực lượng tuần tra trên không của quân đội.

Khách đi máy bay thương mại tới và từ Singapore được khuyến cáo có thể bị chậm chuyến trong thời gian này.

Về tuần tra trên biển, Singapore cũng chú trọng tăng cường, đặc biệt là vùng biển quanh đảo nghỉ dưỡng Sentosa – nơi Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un gặp nhau.

Tàu Hải quân đã được triển khai quanh khu vực họp. Trực thăng kiểm soát phía trên, tàu tuần tra hộ tống các tàu qua lại phía dưới.

Ngoài những điều khó đoán trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, Singapore còn đối mặt nhiều thách thức ngoại giao hay những vấn đề bên lề khác.

Tiếp đó là câu hỏi làm gì để đón giới truyền thông thế giới đổ tới Singapore đưa tin về sự kiện. Ít nhất 2.500 nhà báo đã có mặt trong sự kiện này.

Theo các quan chức lễ tân và nhà ngoại giao, những thách thức nói trên cùng nhiều khó khăn khác phải được giải quyết nhanh chóng. Những hội nghị thượng đỉnh có tầm vóc tương tự thường được lên kế hoạch trước từ 6 tháng tới cả năm.

Các nhóm ngoại giao từ Mỹ và Triều Tiên đã ở Singapore nhiều ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh. Họ đi mọi nơi trên đảo Sentosa để kiểm tra địa điểm và đặt ra các quy tắc lễ tân, ví dụ như có hai cửa riêng biệt để Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un có thể bước vào.

Trong khi đó, Singapore phải nhanh chóng tìm người biết nói tiếng Triều Tiên trong lực lượng cảnh sát và lực lượng dân phòng để có thể giao tiếp, phiên dịch cho đoàn tùy tùng Triều Tiên.

Cảnh sát và những người làm công tác an ninh không được nghỉ quanh thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Lực lượng vũ trang Singapore luôn trong trạng thái trực chiến cùng với máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công.

Người dân chụp ảnh đoàn xe của Chủ tịch Kim Jong-un. Ảnh: AP
Người dân chụp ảnh đoàn xe của Chủ tịch Kim Jong-un. Ảnh: AP

Ngoài việc triển khai 5.000 cảnh sát, nhân viên dân sự hỗ trợ quân đội cùng các nhân viên khác, Singapore còn thuê các công ty an ninh tư nhân để hỗ trợ kiểm soát việc ra vào, kiểm soát đám đông, điều tiết giao thông và thực hiện các biện pháp an ninh khác.

Điều này là cần thiết vì người dân Singapore gần khu vực tổ chức sự kiện chắc chắn sẽ dừng lại để xem những gì đang diễn ra xung quanh 

Thiết lập vùng an ninh nhiều lớp

Có tới bốn vòng an ninh quanh khu vực hội nghị thượng đỉnh tại Singapore. 

Cảnh sát tuần tra ngoài khách sạn St. Regis - nơi ở của Chủ tịch Kim Jong-un. Ảnh: AP
Cảnh sát tuần tra ngoài khách sạn St. Regis - nơi ở của Chủ tịch Kim Jong-un. Ảnh: AP

Lớp thứ nhất là bản thân khu vực tổ chức hội nghị, cụ thể là khách sạn 5 sao siêu sang Capella. 

Lớp thứ hai cách đó 8km, nằm ở khu vực Tanglin ở Singapore. Đây là nơi ở của hai nhà lãnh đạo và tùy tùng. Khách sạn Shangri-La là nơi Tổng thống Trump ở, còn khách sạn St. Regis là nơi Chủ tịch Kim Jong-un lựa chọn. Hai khách sạn này cách nhau khoảng 800m.

Tiếp đó là lớp an ninh hàng hải trên mặt biển quanh đảo Sentosa.

Lớp an ninh cuối cùng là nhóm phòng không, gồm trực thăng, máy bay chiến đấu… bảo vệ vùng trời.

Tổng thống Trump ở tại khách sạn Shangri-La. Ảnh: AP
Tổng thống Trump ở tại khách sạn Shangri-La. Ảnh: AP

Tới Singapore những ngày này, người ta có thể nhìn thấy dấu hiệu an ninh cấp độ cao như lực lượng đặc nhiệm Gurkha vũ trang hạng nặng, cảnh sát được huy động toàn bộ quân số. 

Để bố trí chỗ tác nghiệp cho 2.500 nhà báo, Singapore nhanh chóng lắp đặt một trung tâm tác nghiệp truyền thông trong tòa nhà ở đường đua Công thức 1 tại trung tâm Singapore. Tại đây, các sự kiện hội nghị được phát trực tiếp cách đảo Sentosa 10km.

Để thể hiện sức mạnh mềm, Singapore không quên trang bị những tiện nghi tại Trung tâm Truyền thông Quốc tế để đảm bảo các nhà báo quốc tế nhìn thấy những gì tốt đẹp nhất ở Singapore.

Chi phí và cái lợi vô hình 

Tại thời điểm hội nghị, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông dự kiến Singapore chi khoảng 14,8 triệu USD để tổ chức hội nghị, về sau con số này giảm xuống còn 11,8 triệu USD.

Singapore thu lợi gấp 10 nhờ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: AP
Singapore thu lợi gấp 10 nhờ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: AP

Phòng của Chủ tịch Kim Jong-un tại khách sạn St. Regis có giá 7.400 USD/đêm. Phái đoàn Mỹ tự chi trả chi phí.

Singapore cũng sắp xếp suôn sẻ chuyến tham quan buổi tối ở khu nghỉ dưỡng và sòng bạc Marina Bay Sands cho Chủ tịch Kim Jong-un khi được yêu cầu trước chỉ vài tiếng. 

Các chuyên gia tiếp thị cho rằng Singapore đã thu về ít nhất 10 lần số tiền đã bỏ ra nhờ xuất hiện tích cực trên truyền thông quốc tế.

Ít nhất 2.500 nhà báo khắp nơi đã tới Singapore đưa tin về sự kiện. Ảnh: AP
Ít nhất 2.500 nhà báo khắp nơi đã tới Singapore đưa tin về sự kiện. Ảnh: AP

Ông Jason Tan thuộc công ty truyền thông Zenith Singapore cho tờ Al Jazeera biết: Với 14,8 triệu USD, Singapore sẽ chỉ mua được 90 giây quảng cáo trong sự kiện thể thao lớn nhất tại Mỹ là Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ Super Bowl. Ông nói: “Với hội nghị thượng đỉnh, chúng ta được hẳn một tuần được quảng bá toàn cầu, được tắm trong hào quang thương hiệu tích cực và được quan tâm thực sự với tư cách là một quốc gia”.

Ông Vũ Minh Khương, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định: Hơn cả việc được xuất hiện tích cực trên truyền thông, tầm quan trọng chiến lược của Singapore trên trường quốc tế được tăng cường. Nước chủ nhà đã tăng vị thế chiến lược là nơi được lựa chọn cho các sự kiện quan trọng và thể hiện cho thế giới thấy mình là một nhân tố có ý nghĩa trong làm cho thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn”.

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh