5 điều rút ra sau cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ

07:07, 20/07/2016

Đảo chính do một nhóm quân nhân tiến hành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15/7 đã nói lên nhiều điều về nội tình quốc gia này dưới quyền của Tổng thống Erdogan.

Đảo chính do một nhóm quân nhân tiến hành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15/7 đã nói lên nhiều điều về nội tình quốc gia này dưới quyền của Tổng thống Erdogan.

Tối 15/7 một cuộc đảo chính quân sự bất ngờ nổ ra ở thủ đô Ankara và thành phố duyên hải Istanbul. Phe đảo chính đã chiếm lĩnh thành công một số vị trí trọng yếu ở 2 thành phố lớn này của Thổ Nhĩ Kỳ và cố công lùng bắt Tổng thống Erdogan.

Đến sáng hôm sau (16/7) cuộc đảo chính đã bị dập tắt. Chính quyền Erdogan đã hành động mau lẹ để kiểm soát tình hình và truy quét các phần tử làm đảo chính.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cản trở xe thiết giáp quân sự trong cuộc đảo chính vào đêm 15/7. Ảnh: Reuters.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cản trở xe thiết giáp quân sự trong cuộc đảo chính vào đêm 15/7. Ảnh: Reuters.

Cần khẳng định rằng cuộc đảo chính tuy do một nhóm quân nhân tiến hành nhưng quy mô không phải nhỏ.

Cuộc đảo chính chủ yếu do tầng lớp sĩ quan cấp thấp tiến hành nhưng vẫn diễn ra khá bài bản. Quân đảo chính đã huy động cả phi cơ tiêm kích, trực thăng vũ trang, xe tăng, và xe thiết giáp để thực hiện tiếm quyền, đồng thời biết chớp thời cơ để ra tay (vào cuối tuần, khi Tổng thống Erdogan đi nghỉ mát ở bờ biển).

Trên thực tế họ đã nhanh chóng chiếm lĩnh địa thế có lợi, phong tỏa được cầu đường, khống chế đài phát thanh và truyền hình, bắt được cả Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Phe đảo chính đã tấn công trụ sở Quốc hội và cơ quan tình báo, không ngại nhả đạn vào lực lượng cảnh sát và dân thường cản trở đảo chính.

Với số lượng người chết gần 300 và số bị thương trên 2.000, cuộc đảo chính chắc chắn không phải là trò đùa.

Để đối phó với cuộc đảo chính này, ông Erdogan đã phải dùng đến nước cờ mạo hiểm là thông qua truyền hình kêu gọi người dân xuống đường để trực tiếp chống lại đảo chính.

Đối với ông Erdogan, rủi ro của động thái này nằm ở chỗ có tới non nửa số cử tri Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ ông và những người này có thể hùa theo đảo chính đang diễn ra để lật đổ ông hoặc đẩy đất nước vào nội chiến.

Theo thuyết âm mưu của một số nhà quan sát và bất đồng chính kiến thì đây là một cuộc đảo chính “giả” do Tổng thống Erdogan dàn dựng nhằm triệt hạ đối thủ, giống như trùm phát xít Hitler từng dàn dựng vụ đốt trụ sở Quốc hội Đức rồi vu cho những người cộng sản và lực lượng đối lập khác. Nhưng với những ý nêu trên thì khả năng này rất thấp.

Từ cuộc đảo chính gây xáo trộn chính trường Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua có thể rút ra mấy điểm sau:

1. Tình hình Thổ Nhĩ Kỳ nhiều bất ổn

Dù cho cuộc đảo chính đã bị dập tắt và những kẻ tham gia đã bị bắt giữ, sự kiện này vẫn phản ánh những phức tạp bên trong quốc gia nằm giữa châu Âu và châu Á này.

Một nam giới Thổ Nhĩ Kỳ nằm ra đường để ngăn cản xe tăng và các xe quân sự tiến vào chiếm sân bay quốc tế Istanbul. Ảnh: NBC.
Một nam giới Thổ Nhĩ Kỳ nằm ra đường để ngăn cản xe tăng và các xe quân sự tiến vào chiếm sân bay quốc tế Istanbul. Ảnh: NBC.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, ngoại giao và chính trị nội bộ. Trong nước, ông Erdogan bị tố cáo là chuyên quyền, tham nhũng, và mang nặng tư tưởng Hồi giáo. Thời gian qua đất nước Thổ liên tiếp hứng chịu nhiều loạt tấn công khủng bố.

Mối quan hệ giữa chính quyền và lực lượng người Kurd ở nước này cũng rất căng thẳng. Ngoài nước, chính quyền Erdogan chịu sức ép từ việc hỗ trợ cho các nhóm phiến quân ở Syria.

Sau vụ chiến đấu cơ Nga bị không quân Thổ bắn rơi, Nga đã thực hiện nhiều biện pháp đáp trả, gây thêm khó khăn về nhiều mặt cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là về kinh tế và du lịch.

2. Quân đội Thổ ít nhiều vẫn nuôi tham vọng chính trị

Thể chế quân sự vốn có uy danh và quyền lực trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ từ thời Đế chế Ottoman.

Sang đến thời kỳ nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại (thành lập vào năm 1923), quân đội Thổ tính từ năm 1960 vẫn tiếp tục can dự sâu vào nền chính trị nước này bằng 4 cuộc đảo chính “cứng” và 1 cuộc đảo chính “mềm”, cộng với cuộc đảo chính bất thành lần này.

3. Thế lực quân đội Thổ đã suy yếu

Mặc dù vậy ảnh hưởng của quân đội Thổ trong xã hội và chính trị Thổ không còn lớn như trong các thập niên trước.

Theo các nguồn tin, lực lượng tham gia đảo chính vào tháng 7/2016 chủ yếu là lực lượng vừa phải, không nhận được sự hỗ trợ từ các tướng lĩnh cao nhất.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tước khí giới của quân nhân tham gia đảo chính đêm 15/7. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tước khí giới của quân nhân tham gia đảo chính đêm 15/7. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, từ cách đây vài năm ông Erdogan đã tiến hành nhiều cải cách để giảm uy quyền của lực lương quân đội. Vị Tổng thống cứng rắn và nhiều “thủ thuật” này đã cho tiến hành điều tra và bắt giữ nhiều sĩ quan quân đội, cũng như ép nhiều vị phải về hưu sớm.

Ông Erdogan cũng đã cài được những người thân tín vào bộ máy quân sự của nước này, như trường hợp đương kim Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ.

4. Dân tỉnh táo và chán chường đảo chính

Hình ảnh dân chúng đổ ra đường đông nghìn nghịt để chống đảo chính cho thấy người dân nước này đã chán với sự can thiệp của quân đội và các vụ đảo chính thường xuyên xảy ra ở nước này. Dù có thể không ưa ông Erdogan, nhiều người dân Thổ không hoan nghênh cách giải quyết vấn đề bằng biện pháp vũ lực và bất hợp pháp, nhất là trong bối cảnh đất nước đang có sẵn nhiều bất ổn và chia rẽ.

Điều đáng chú ý là trong đợt đảo chính vừa qua, nhiều người dân tỏ ra rất mạnh bạo và quyết liệt trong việc chặn đảo chính – họ không sợ sệt trước họng súng của binh lính và xích sắt xe tăng. Trên thực tế đã có hàng chục (có thể lên tới 100) thường dân thiệt mạng trong cuộc đối đầu này.

5. Erodogan lão luyện

Trước cuộc đảo chính bất ngờ, Tổng thống Erdogan vẫn bình tĩnh bay tới điểm nóng Istanbul để gặp gỡ người ủng hộ.

Trước việc các đài truyền hình nhà nước bị khống chế và bản thân không trực tiếp tới được kênh truyền hình tư nhân NTV, chính trị gia Erdogan nhanh trí sử dụng điện thoại di động (có ghi hình ảnh trực tiếp) để ra lời kêu gọi với toàn thể dân chúng thông qua kênh truyền hình CNN tiếng Thổ và đài NTV. Ông còn tận dụng mạng xã hội để huy động người dân biểu tình.

Ông Erdogan đã khéo léo sử dụng thông điệp “không có gì mạnh hơn nhân dân” có sức hiệu triệu cao để lôi kéo đông đảo người dân xuống đường chống đảo chính.

Ông Erdogan ra lời kêu gọi với dân chúng thông qua điện thoại iPhone và sự hỗ trợ của kênh truyền hình CNN tiếng Thổ (CNN Turk).
Ông Erdogan ra lời kêu gọi với dân chúng thông qua điện thoại iPhone và sự hỗ trợ của kênh truyền hình CNN tiếng Thổ (CNN Turk).

Trong quá trình đối phó với đảo chính và lúc đã kiểm soát cơ bản được tình hình, Tổng thống Erdogan cho bắt khoảng 6.000 người dính tới âm mưu đảo chính, gồm cả quân nhân và thẩm phán đối lập.

Hàng ngàn nhân viên cảnh sát cũng bị sa thải. Trong thời gian tới, ông Erdogan sẽ thực hiện tiếp nhiều biện pháp cứng rắn để thanh lọc quân đội, răn đe phe đối lập và củng cố quyền lực của mình. Vừa rồi ông cũng đã hứa hẹn với người ủng hộ mình về việc xem xét áp dụng trở lại án tử hình.

Như đã nêu ở đầu bài viết, sự kiện vừa qua ít khả năng là đảo chính “giả”. Tuy nhiên cũng khó loại trừ hoàn toàn khả năng chính quyền Erdogan đã biết trước âm mưu đảo chính nhưng không chủ định ra tay ngăn chặn ngay từ đầu.

Rất có thể chính quyền Erdogan cố tình chờ đối thủ lộ diện và “xuất chiêu” trước rồi họ mới vin vào hành động bất hợp pháp đó cùng sự bất bình của nhân dân để “quật trả” đối thủ./.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh