Hy vọng mong manh về khả năng hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine

12:04, 20/04/2014

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng có dấu hiệu leo thang, thỏa thuận sơ bộ đạt được tại cuộc gặp bốn bên ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 17/4 vừa qua đã mở ra hy vọng về khả năng hạ nhiệt những căng thẳng đang đe dọa đẩy đất nước Ukraine tới bờ vực của một cuộc nội chiến.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng có dấu hiệu leo thang, thỏa thuận sơ bộ đạt được tại cuộc gặp bốn bên ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 17/4 vừa qua đã mở ra hy vọng về khả năng hạ nhiệt những căng thẳng đang đe dọa đẩy đất nước Ukraine tới bờ vực của một cuộc nội chiến.

 

Lực lượng có vũ trang bên ngoài trụ sở cơ quan chính quyền thành phố Slavyansk bị chiếm giữ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Thế nhưng, thỏa thuận đó có thực sự giúp tháo ngòi cuộc khủng hoảng hay không vẫn là câu hỏi lớn.

Có thể nói rằng việc bốn bên gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đạt được thỏa thuận sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng đã xác định được những bước đi cụ thể đầu tiên nhằm làm dịu tình hình ở Ukraine, đúng vào thời điểm khu vực Đông-Nam Ukraine có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát sau khi Kiev triển khai quân đội và xe bọc thép trong khuôn khổ một chiến dịch mà chính quyền lâm thời Ukraine gọi là “chống khủng bố” nhằm đối phó với các cuộc biểu tình đang ngày càng lan rộng.

Đây là một kết quả bất ngờ nằm ngoài dự đoán của giới quan sát bởi trước thềm cuộc gặp, dư luận không mấy lạc quan về khả năng các bên có thể dẹp được bất đồng để tìm ra tiếng nói chung khi mà lập trường của các bên còn cách xa nhau.

Thậm chí, cuộc gặp từng đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ khi các bên liên tục cáo buộc nhau về tình hình căng thẳng ở miền Đông-Nam Ukraine. Vì thế, thỏa thuận được coi là tín hiệu tích cực nhằm giải quyết khủng hoảng.

Đối với cả bốn bên tham gia đàm phán, thỏa thuận phần nào mang tính hòa giải và là sự khởi đầu cho những nỗ lực hướng tới một giải pháp lâu dài cho Ukraine.

Thỏa thuận đã được ký, song vấn đề tiếp theo là những hành động cụ thể của các bên nhằm thực thi thỏa thuận. Các nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời ở Ukraine đã đưa ra một số tuyên bố như hoàn tất dự thảo ân xá cho người biểu tình chịu giao nộp vũ khí, cam kết cải cách hiến pháp, theo đó trao quyền nhiều hơn cho một số khu vực và thúc đẩy vị thế của tiếng Nga.

Tuy nhiên, song song với những lời cam kết đó, chính quyền lâm thời Ukraine cũng tuyên bố không rút quân được triển khai tại miền Đông-Nam và tiếp tục chiến dịch “chống khủng bố,” đồng thời cảnh báo sẽ có "những hành động cụ thể hơn" nếu người biểu tình không chấm dứt chiếm đóng các cơ quan công quyền và các nhóm vũ trang không giải giáp.

Điều đáng nói là Kiev diễn giải thỏa thuận Geneva theo hướng các nhóm vũ trang của người biểu tình ở khu vực Đông-Nam và việc họ chiếm giữ trụ sở cơ quan công quyền là “bất hợp pháp,” còn hành động tương tự của những người biểu tình Maidan ở Kiev, từng gây ra làn sóng biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych, lại là “hợp pháp.”

Quan điểm có tính thiên lệch này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía chính quyền và người dân miền Đông-Nam Ukraine. Họ cho rằng chính phủ tạm quyền đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” và tuyên bố chỉ rời khỏi các trụ sở công quyền nếu chính quyền thả những người bị bắt, giải giáp những nhóm vũ trang cực đoan và phát xít mới như nhóm “Cánh hữu,” vốn đang được huy động tham gia lực lượng cảnh sát và được chính quyền lâm thời trao vũ khí.

Những người biểu tình còn yêu cầu chính phủ lâm thời Ukraine “rời khỏi vị trí có được một cách phi pháp do đảo chính.”

Nga cũng chỉ trích Mỹ áp đặt “tiêu chuẩn kép” và "đạo đức giả" khi gọi những người biểu tình lật đổ chế độ của Tổng thống Yanukovych ở Maidan là "anh hùng," song lại gọi những người biểu tình phản đối chính quyền lâm thời Kiev ở Slaviansk, Donetsk, Lugansk, Kharkov là "khủng bố."

Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, Kiev đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với nam công dân Nga từ 16-60 tuổi khiến Moskva tức giận và cân nhắc biện pháp đáp trả.

Hàng trăm người Nga muốn tới Ukraine để dự lễ Phục sinh với họ hàng thân thích sống tại khu vực Đông-Nam Ukraine đã không được phép vào lãnh thổ quốc gia láng giềng. Dường như hành động của chính quyền Kiev đang mâu thuẫn với tính thần giảm căng thẳng và đối đầu mà thỏa thuận Geneva đề ra.

Mỹ và EU, hai trong số bốn bên ký thỏa thuận Geneva, cũng không từ bỏ giọng điệu đe dọa khi cảnh báo rằng Washington và các nước đồng minh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung cứng rắn hơn đối với Nga nếu tình hình tại Ukraine không được cải thiện.

Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức coi việc giới chức Mỹ đưa ra tuyên bố như "tối hậu thư" và cố tình đe dọa Moskva bằng các biện pháp trừng phạt mới là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và khẳng định điều này càng không thể giúp các bên tiếp tục đối thoại.

Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo gửi thêm năm tàu chiến đến vùng biển Baltic trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu.

Những gì đang diễn ra ở Ukraine sau thỏa thuận Geneva không khỏi khiến giới phân tích lo ngại những cam kết trong thỏa thuận sẽ khó được thực hiện nghiêm túc, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ như thỏa thuận ngày 21/2.

Ngay cả người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo rằng cho tới nay, các kế hoạch mới chỉ là “những con chữ in trên giấy” và thành công hay không còn tùy thuộc vào cách thức các bên thực thi cam kết trong thỏa thuận.
Rõ ràng, thỏa thuận Geneva mới chỉ là khúc dạo đầu trong một chặng đường gập ghềnh để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Thỏa thuận chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi các bên ở Ukraine cũng như các bên liên quan thể hiện thiện chí thực sự, từng bước xây dựng lòng tin trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của nhau./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh