Bằng cách đưa quân đội tới dẹp người li khai ở miền đông Ukraina, chính phủ ở Kiev có thể đang tự tập cho mình cách thất bại, vì cả quân đội lẫn các cơ quan tình báo của nước này đều chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự với Nga.
Bằng cách đưa quân đội tới dẹp người li khai ở miền đông Ukraina, chính phủ ở Kiev có thể đang tự tập cho mình cách thất bại, vì cả quân đội lẫn các cơ quan tình báo của nước này đều chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự với Nga.
Đó là nhận định của tác giả Simon Shuster trong một bài viết đăng trên báo TIME.
Cũng giống như nhiều nhân vật đứng đầu trong trật tự quân sự mới của Ukraina, Petr Mekhed chưa sẵn sàng cho nhiệm vụ đối chọi quân sự với Nga khi ông đảm nhận vị trí Thứ trưởng Quốc phòng hồi tháng 2.
Đợt nghĩa vụ chiến đấu cuối cùng của cựu binh này là cách đây khoảng 30 năm, trong thời kỳ chiến tranh ở Afghanistan, sau khi ông là một đại tá trong Hồng quân, nhà báo Simon Shuster cho biết.
Binh lính Ukraina ở vùng ngoại ô Izyum, miền đông nước này ngày 15/4. (Ảnh: AP)
Khi làn sóng nổi dậy ở Ukraina nổ ra mùa đông vừa qua, kinh nghiệm thời chiến của Mekhed đã giúp ông trang bị tốt hơn hầu hết những người khác trong việc lập và giữ những hàng rào chướng ngại của trại biểu tình ở Quảng trường Maidan, trung tâm Kiev. Nhưng những kinh nghiệm đó không giúp ích nhiều cho vị thứ trưởng tạm quyền này nếu Ukraina lao vào một cuộc chiến mới ngày nay.
"Có nhiều vấn đề tôi phải ngồi lại và nghiên cứu qua sách", TIME dẫn lời ông Mekhed thừa nhận.
Những lời của Mekhed cũng là mối lo chung của các lãnh đạo chính trị mới của Ukraina. Nếu họ muốn tìm ra cách thoát khỏi xung đột với Nga, thì họ chỉ có một cách duy nhất để làm, theo ông Mekhed. Đó là đàm phán.
"Chúng tôi sẽ chẳng đạt được đến đâu bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự", vị đại tá kỳ cựu thừa nhận. Ông cho rằng đàm phán sẽ hiệu quả hơn nhiều để ngăn ảnh hưởng của Nga, kèm theo đó là phải đồng ý cho người dân các khu vực miền đông thêm quyền tự trị.
"Các cơ hội của chúng tôi ở Donetsk hiện nằm trong tay các chính trị gia và năng lực của họ trong việc ngồi lại với người dân ở đó và nói chuyện với họ".
Nhưng các chính trị gia ở Kiev dường như không đồng ý cách đó. Vào sáng ngày 15/4, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov chính thức mở chiến dịch quân sự đầu tiên chống lại những người thân Nga đang chiếm giữ nhiều khu vực ở Donetsk. Cuộc tấn công này được chính quyền ở Kiev gọi là chiến dịch chống khủng bố, có sự tham gia của hơn chục xe bọc thép chở quân cùng nhiều xe tải và trực thăng quân sự. Trong ngày, lực lượng này đã chiến đấu với hơn 30 tay súng kiểm soát một sân bay gần thị trấn Kramatorsk.
Vậy Ukraina đã sẵn sàng cho một tình thế khó? Có lẽ. Nhưng một số quan chức tình báo và quân sự cấp cao của nước này vẫn tỏ ra nghi ngờ, cho rằng Kiev có thể đang chuẩn bị cho một sự thất bại. Và sự hậu thuẫn mà "chiến dịch chống khủng bố của Kiev" nhận được từ Nhà Trắng khó có thể chuyển thành một sự hỗ trợ về quân sự từ phương Tây. Hơn thế, nó sẽ dẫn tới một phản ứng đáp trả từ Moscow, chứ không chỉ từ một nhóm người đang đòi li khai ở Donetsk, và sự đáp trả đó có thể là toàn bộ sức mạnh quân sự Nga. Khi ấy cũng có nghĩa là "trò chơi kết thúc chóng vánh" với Ukraina.
Hiện nay, các lãnh đạo ở Kiev có vẻ như vẫn đang tận hưởng hương vị chiến thắng. Khi thông tin từ Kramatorsk gửi về Kiev nói rằng chiến dịch ngày 15/4 thành công, rằng các lực lượng Ukraina đã đẩy lùi được quân li khai khỏi sân bay khu vực, Tổng thống tạm quyền Turchynov lập tức đưa ra thông điệp tự chúc mừng trước Quốc hội.
"Tôi tin rằng sẽ sớm không còn kẻ khủng bố nào ở Donetsk và các khu vực khác nữa. Họ sẽ thấy mình ở ghế dành cho bị cáo - đó là nơi họ thuộc về", ông Turchynov quả quyết.
Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin không vui với điều đó. Trong một cuộc điện đàm đêm ngày 15/4 với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, ông nói rằng khủng hoảng ở đông Ukraina đã rất trầm trọng và nhấn mạnh thế giới "hẳn nhiên phải lên án những hành động phản hiến pháp đó".
Có thể thế giới sẽ không hành động theo lời ông Putin nhưng cũng sẽ không làm gì nhiều để giúp Ukraina chuẩn bị cho những gì có thể sắp xảy ra.
Hồi đầu tháng 3, khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crưm, Mekhed - một người tóc đã hoa râm và ăn nói nhỏ nhẹ - đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Brussels để hội đàm với các đại diện NATO. Ông không ảo tưởng về bất kỳ một sức mạnh phương Tây nào giúp Ukraina phòng thủ, nhưng ông bám giữ hy vọng về một sự giúp đỡ nào đó trong các lĩnh vực liên lạc và tình báo.
"Chúng tôi đang có nhiều vấn đề trong việc xác định lực lượng nào đang ở đâu", Mekhed nói, ám chỉ người Nga. "Trên tất cả, các hệ thống vũ khí của chúng tôi đều ràng buộc chặt chẽ với Nga, với sự hợp tác của Nga".
Thực tế này có nghĩa là việc nâng cấp các hệ thống đó là cực kỳ khó khăn cho Ukraina. Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng quân sự của nước này đã "bị phá hủy một cách có hệ thống" vì nạn tham nhũng và lơ là. Muốn nâng cấp vũ khí thì Kiev cần phải mua nhiều phụ tùng từ Nga nhưng mới đây đã bị phía Moscow từ chối bán.
Chiều ngày 15/4, vài giờ trước khi xảy ra các cuộc đụng độ gần sân bay Kramatorsk, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp quân sự cho Ukraina.
"Tôi muốn nhắc lại với các bạn rằng Nga cam kết không cung cấp vũ khí cho các vùng xung đột", Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nhấn mạnh trong một thông báo giải thích quyết định trên.
Trong những điều kiện như vậy, Ukraina không thể sữa chữa nổi các hệ thống vũ khí của mình ngay cả khi được NATO giúp đỡ; không một thành viên nào của liên minh này sử dụng hoặc sản xuất các loại thiết bị mà Ukraina đang cần.
"Các phụ tùng thay thế đều phải từ Nga", ông Mekhed thừa nhận. "Vì vậy, chúng tôi phải tìm kiếm các thị trường mới để mua các thiết bị tương tự vũ trang cho quân đội, và không chỉ vũ khí, chúng tôi còn phải đào tạo về nhân lực trước khi có thể đưa các vũ khí đó ra chiến trường".
Mà để làm được điều đấy, Ukraina cần đến nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, chưa kể phải đầu tư hàng tỉ đôla mà nền kinh tế gần như phá sản của nước này không thể dành ra được.
Theo VietNamNet
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin