
Ngày 2-3, Ria Novosti cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-mun (Ban Ki-moon), Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) nói rằng, trong trường hợp dân số nói tiếng Nga tại các tỉnh miền Đông U-crai-na và nước Cộng hòa tự trị Crưm phải hứng chịu thêm bạo lực, Mát-xcơ-va sẽ không thể đứng ngoài cuộc và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết trong
Ngày 2-3, Ria Novosti cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-mun (Ban Ki-moon), Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) nói rằng, trong trường hợp dân số nói tiếng Nga tại các tỉnh miền Đông U-crai-na và nước Cộng hòa tự trị Crưm phải hứng chịu thêm bạo lực, Mát-xcơ-va sẽ không thể đứng ngoài cuộc và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn bạo lực leo thang tiếp tại U-crai-na. Trong khi đó, theo hãng tin Itar-Tass, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama), Tổng thống Nga V.Pu-tin cũng nhấn mạnh nếu bạo lực tại U-crai-na tiếp tục gia tăng, Nga có quyền bảo vệ quyền lợi của mình cũng như bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga tại đây.
|
Tổng thống V.Pu-tin tuyên bố Nga sẽ không thể đứng ngoài cuộc nếu bạo lực tại U-crai-na leo thang. Ảnh: Ria Novosti
|
Sáng cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp phiên khẩn cấp về tình hình U-crai-na, bao gồm họp công khai và họp kín. Tại cuộc họp công khai, nhiều nước đứng đầu là Mỹ đã đề xuất LHQ tổ chức phái bộ trung gian hỗ trợ giải quyết khủng hoảng, đồng thời cử các quan sát viên đến U-crai-na.
Phó tổng thư ký thứ nhất LHQ G.Ê-lia-xơn (Jan Eliasson) cho biết, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun đang xem xét về những đề xuất này và LHQ sẽ hành động sớm nhất có thể. Trong khi đó, Nga kêu gọi các bên tại U-crai-na phải quay trở lại với các thỏa thuận ký ngày 21-2 vừa qua.
Đại diện thường trực của Nga tại HĐBA LHQ V.Tru-rơ-kin (Vitaly Churkin) khẳng định, cần ngừng ngay tình trạng vũ lực tại U-crai-na hiện nay, đưa tình hình về khuôn khổ hiến pháp, thành lập một chính phủ hòa hợp toàn dân.
Trong một diễn biến được quan tâm về vấn đề nước Cộng hòa tự trị Crưm muốn xem xét lại quy chế của mình, Thủ tướng nước cộng hòa tự trị X.Ác-xe-nốp (Sergey Aksenov) tuyên bố đẩy nhanh ngày tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế của Crưm từ ngày 25-5 lên ngày 30-3 tới. Ông X.Ác-xe-nốp cũng cho rằng, Ki-ép đang mất dần sự kiểm soát đối với bán đảo Crưm.
Liên quan đến việc Quốc hội Nga nhất trí triển khai binh sĩ tới U-crai-na, Ki-ép đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xem xét mọi cơ chế có thể để bảo vệ sự toàn vẹn của nước này.
Tổng thống lâm thời U-crai-na, A. Tu-chi-nốp (Aleksander Turchynov) cho biết, đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động, đồng thời cảnh báo Mát-xcơ-va rằng, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào sẽ dẫn đến chiến tranh.
Trong lời kêu gọi tới cộng đồng quốc tế ngày 2-3, Thủ tướng tạm quyền U-crai-na, A.Y-át-xen-ni-úc (Arseniy Yatsenyuk), cảnh báo đất nước đang "bên bờ vực thảm họa", đồng thời cáo buộc Nga tuyên chiến với nước này.
Cùng ngày, Roi-tơ dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng U-crai-na, A.Pa-ru-bi (Andriy Paruby), thông báo nước này sắp hiệu triệu toàn bộ quân dự bị, đồng thời khẳng định rằng, cần phải đảm bảo lực lượng vũ trang được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu càng sớm càng tốt nhằm bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của U-crai-na.
Trong phản ứng mới nhất của Oa-sinh-tơn, ngày 2-3, Ngoại trưởng Mỹ G.Ke-ri (John Kerry) cho rằng, việc Nga triển khai quân tới U-crai-na là một nguy cơ đối với hòa bình và an ninh khu vực, đồng thời cảnh báo về một “hệ lụy sâu sắc” đối với quan hệ Mỹ-Nga.
Ông G.Ke-ri tiết lộ đã tiến hành một loạt cuộc điện đàm với các đối tác của Mỹ trên toàn cầu để “phối hợp tiến hành các bước đi tiếp theo, chúng tôi đã thống nhất trong nhận định tình hình và sẽ hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ U-crai-na và người dân nước này tại thời điểm lịch sử hiện nay”.
Trong khi đó, khi được hỏi về các thông tin cho rằng, một số đơn vị quân đội Mỹ đã được đặt trong tình trạng báo động trước biến động trên bán đảo Crưm, một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Roi-tơ rằng, Oa-sinh-tơn vẫn tập trung vào các lựa chọn ngoại giao và không có thay đổi trong lập trường của quân đội Mỹ.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin