Hai tuần qua là thời điểm đầy biến động tại Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này phải chứng kiến làn sóng biểu tình được coi là lớn nhất trong vài thập kỷ qua. Những cuộc biểu tình rầm rộ tại hàng chục thành phố trên toàn quốc cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ đụng độ gây thương vong giữa cảnh sát và đám đông phản đối Chính phủ, khiến Thủ tướng Rê -xép Tay-íp Éc-đô-gan (Recep Tayyip
Hai tuần qua là thời điểm đầy biến động tại Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này phải chứng kiến làn sóng biểu tình được coi là lớn nhất trong vài thập kỷ qua. Những cuộc biểu tình rầm rộ tại hàng chục thành phố trên toàn quốc cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ đụng độ gây thương vong giữa cảnh sát và đám đông phản đối Chính phủ, khiến Thủ tướng Rê -xép Tay-íp Éc-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan) rơi vào tình cảnh loay hoay trước sức ép từ cả trong nước và quốc tế.
Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát từ ngày 31-5 sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình phản đối việc Chính phủ nước này lên kế hoạch giải tỏa Công viên Ghê-di (Gezi) chạy dọc theo Quảng trường Tác-xim (Taksim) ở I-xtan-bun để xây dựng một trung tâm thương mại.
|
Người biểu tình phản đối chính phủ tập trung tại thủ đô An-ca-ra ngày 12-4. Ảnh: AP |
Từ đây, các cuộc xuống đường biểu tình ồ ạt của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã lan rộng tới nhiều thành phố, địa phương với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Đỉnh điểm là ngày 11-6, hàng chục nghìn người đã tập trung tại Quảng trường Tác-xim kêu gọi ông R.T. Éc-đô-gan và Chính phủ từ chức, buộc lực lượng cảnh sát chống bạo động phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để trấn áp.
Lo ngại làn sóng biểu tình sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát, ông R.T. Éc-đô-gan buộc phải tuyên bố Chính phủ xem xét tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc quy hoạch Công viên Ghê-di và cam kết sẽ gặp đại diện của những người biểu tình.
Tuy nhiên động thái đầy tính nhượng bộ này xem ra lại phản tác dụng. Các cuộc biểu tình thậm chí còn diễn ra mạnh mẽ và khó lường hơn trước. Nhiều kẻ quá khích đã đốt lửa, dựng chướng ngại vật trên các tuyến phố dẫn vào Quảng trường Tác-xim, thậm chí còn sử dụng gạch, đá và các loại vũ khí thô sơ tấn công và đốt nhiều xe ô tô của cảnh sát, dẫn đến các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và đám người biểu tình.
Tại thủ đô An-ca-ra, làn sóng bạo lực cũng có chiều hướng gia tăng khi cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán khoảng 5000 người biểu tình đang tụ tập gần Đại sứ quán Mỹ.
Sau khi lời "cảnh báo cuối cùng" của Thủ tướng R.T. Éc-đô-gan yêu cầu lực lượng biểu tình phải giải tán khỏi Công viên Ghê-di bị bác bỏ, ông R.T. Éc-đô-gan ngày 13-6 đã tiến hành cuộc gặp khẩn cấp với đại diện các nhóm biểu tình. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, hơn 10 người đại diện cho nhóm "Taksim Solidarity", tổ chức nòng cốt đứng sau làn sóng biểu tình phản đối chính phủ những ngày qua, đã có mặt tại dinh thự của Thủ tướng R.T. Éc-đô-gan ở An-ca-ra.
Roi-tơ dẫn lời đại diện nhóm "Taksim Solidarity" cho hay, cuộc gặp kéo dài vài giờ đã kết thúc với việc ông R.T. Éc-đô-gan cam kết sẽ không thúc đẩy kế hoạch giải tỏa Công viên Ghê-di cho tới khi có phán quyết của tòa án về vấn đề này. Ngay cả khi kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại trên nền Công viên Ghê-di được tòa án ủng hộ, Chính phủ cũng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này và sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân.
Trước cuộc gặp, nhóm "Taksim Solidarity" vẫn bác bỏ đề xuất của chính phủ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch gây tranh cãi trên, đồng thời khẳng định sẽ không rời Công viên Ghê-di chừng nào tất cả các yêu cầu được đáp ứng. Nhóm này cũng nhấn mạnh quan điểm rằng Công viên Ghê -di sẽ mãi là khu sinh thái giữa thành phố.
Tới nay, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 5 người thiệt mạng và khoảng 5000 người bị thương, trong đó có gần 600 cảnh sát.
Đau đầu lo giải quyết khủng hoảng trong nước, những ngày qua Thủ tướng R.T. Éc-đô-gan còn phải chịu thêm nhiều sức ép từ Liên minh châu âu (EU) và một số đồng minh phương Tây.
Trong khi Đức và I-ta-li-a cảnh báo các biện pháp mạnh tay trấn áp người biểu tình của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ có thể cản trở nỗ lực của nước này trong tiến trình hội nhập EU, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU, bà Ca -thơ-rin A-stơn (Catherine Ashton) kêu gọi Thủ tướng R.T. Éc-đô-gan tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ của châu Âu.
Mỹ thậm chí còn chỉ trích cách xử lý các cuộc biểu tình của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, việc lực lượng cảnh sát chống bạo động trấn áp người biểu tình gây thương vong đang làm hình ảnh An-ca-ra xấu đi. Mặc dù vậy, theo AFP, ông R.T. Éc-đô-gan đã chỉ ra thực tế rằng những người biểu tình đã gây thiệt hại hàng chục triệu ơ-rô cho đất nước, đồng thời khẳng định hành động sử dụng vũ lực vừa qua là cần thiết và đúng đắn.
Những cam kết, hay có thể gọi thái độ “xuống nước” mà Chính phủ đưa ra trong cuộc gặp với đại diện lực lượng biểu tình có thể sẽ mở ra hy vọng về việc giải tỏa tình trạng căng thẳng đeo đẳng khắp Thổ Nhĩ Kỳ suốt hai tuần qua.
Điều đáng nói là vụ việc liên quan tới công viên Ghê-di ban đầu tưởng chừng không quá lớn, song lại bất ngờ trở thành một phép thử mạnh đối với sự ổn định tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như khả năng đối phó với những tình huống bất ngờ nảy sinh của Chính phủ nước này.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin