
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Đức đang leo thang căng thẳng liên quan đến nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa hai bên đã xảy ra “khẩu chiến” khá gay gắt sau khi Đức mới đây đã ngăn chặn các bước đi nhằm mở vòng đàm phán mới về việc này.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Đức đang leo thang căng thẳng liên quan đến nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa hai bên đã xảy ra “khẩu chiến” khá gay gắt sau khi Đức mới đây đã ngăn chặn các bước đi nhằm mở vòng đàm phán mới về việc này.
|
Biểu tình phản đối Chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.
|
Ngày 21-6, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối sau khi một bộ trưởng của nước này cáo buộc Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) đang “bắt nạt” Thổ Nhĩ Kỳ để đạt được các lợi ích chính trị trong nước trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Đức.
Mâu thuẫn bùng phát sau khi bà A. Méc-ken trước đó đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ ra tay “quá mạnh” với những người biểu tình phản đối chính phủ trong thời gian gần đây và trong chiến dịch tranh cử, đảng của bà A. Méc-ken đã phản đối Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU.
Đáp lại động thái trên của Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo Thủ tướng Đức A. Méc-ken không “chơi trò chính trị” với nỗ lực gia nhập “ngôi nhà chung châu Âu” của An-ca-ra.
Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn đe dọa sẽ có những hành động “trả đũa mạnh mẽ” đối với Béc-lin. Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ê-giơ-men Ba-gít (Egemen Bagis) đã nhắc nhở bà A. Méc-ken về thất bại trong cuộc bầu cử năm ngoái của Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy), người có chung lập trường “nói không” với Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những công kích trên nhằm vào Thủ tướng Đức A. Méc-ken trong bối cảnh các đảng phái chính trị lớn của Đức đang nỗ lực bằng mọi cách để kiếm phiếu của nhóm cử tri nhập cư trong cuộc bầu cử liên bang vào ngày 22-9 tới, trong đó có khoảng 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang định cư ở Đức.
Trên thực tế, trước đây, đảng của bà A. Méc-ken từng ủng hộ việc mở các vòng đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU nhưng tuần này đã thay đổi và quay ra phản đối.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi này được cho là có liên quan đến các vụ trấn áp người biểu tình của An-ca-ra. Cùng với Đức, Hà Lan hiện cũng đang lưỡng lự trước việc có chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU hay không.
Nếu các nước EU không đạt được sự đồng thuận về việc này, khả năng cuộc đàm phán giữa hai bên dự kiến diễn ra vào tuần tới sẽ phải hoãn lại, thậm chí hủy bỏ.
Giấc mơ châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ vì thế có nguy cơ sẽ càng kéo dài và còn lâu mới trở thành hiện thực. Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin vào EU từ năm 1999, nhưng từ đó đến nay có rất ít tiến triển nếu không muốn nói là triển vọng mờ mịt do một loạt những trở ngại.
Trước đây là do Pháp kịch liệt phản đối Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, nhưng nay trở ngại này đã được dẹp bỏ sau khi Tổng thổng Ph. Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) lên cầm quyền năm ngoái và đồng ý thương lượng với An-ca-ra trong một số lĩnh vực về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nay trở ngại đáng kể vẫn là do những tranh chấp kéo dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Síp, một thành viên của EU và gần đây là do các hành động bị EU cho là “mạnh tay” của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm dẹp các cuộc biểu tình chống chính phủ. Hơn nữa, hiện Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ đáp ứng được 1 trong 35 điều khoản mà EU đặt ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn ấy, An-ca-ra vẫn có cơ hội để tiến gần hơn tới “ngôi nhà chung châu Âu”. Châu Âu vẫn cần tận dụng sự ảnh hưởng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với khu vực Trung Đông, nhất là trong cuộc xung đột ở Xy-ri hiện nay. Nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định có thể đóng góp tích cực cho sự ổn định tình hình khu vực và trở thành đối tác không thể bỏ qua của EU.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tự tin về vị thế quốc tế và tiềm lực kinh tế, tài chính của mình. Trong những năm qua, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển một cách nhanh chóng và được ví như một “Trung Quốc ở châu Âu”.
Ngược lại, châu Âu cũng chưa từng phủ nhận Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng cho dù việc gia nhập liên minh của nước này còn nhiều điều phải bàn. Mặc dù Đức và Hà Lan phản đối, nhưng nhiều nước EU vẫn muốn mở lại đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc này vào tuần tới theo kế hoạch.
Đến nay, EU vẫn chưa hủy bỏ kế hoạch đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 26-6 tới. Ai-len, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm sự đồng thuận để có thể mở một cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin