Thế giới nỗ lực kiểm soát vũ khí

10:03, 29/03/2013

Cuộc đua cam kết kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu lần đầu tiên trong lịch sử đang đi đến hồi kết. Ngày 29-3 (giờ Việt Nam), LHQ dự kiến thông qua Hiệp ước buôn bán vũ khí, đưa ra những quy định rõ ràng đối với ngành thương mại trị giá 70 tỷ USD/năm.

Cuộc đua cam kết kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu lần đầu tiên trong lịch sử đang đi đến hồi kết. Ngày 29-3 (giờ Việt Nam), LHQ dự kiến thông qua Hiệp ước buôn bán vũ khí, đưa ra những quy định rõ ràng đối với ngành thương mại trị giá 70 tỷ USD/năm.

Hiệp ước buôn bán vũ khí là công cụ để kiểm soát sự chạy đua vũ trang.

Nhấn mạnh nhân quyền

Hãng Reuters ngày 28-3 dẫn lời một quan chức ngoại giao châu Âu cho biết bản dự thảo cuối cùng về Hiệp ước buôn bán vũ khí nhận được sự đồng thuận của đa số các nước thành viên LHQ.

Trọng tâm của hiệp ước nhằm quy định các tiêu chí cho việc chuyển giao vũ khí thông thường qua biên giới và nhấn mạnh các nội dung hết sức quan trọng: tôn trọng nhân quyền; ngăn chặn tội ác chiến tranh; không cung cấp cho khủng bố, các tổ chức tội phạm có tổ chức và bảo vệ công dân.

Những điều này đáp ứng được sự kỳ vọng của các cá nhân, tổ chức ủng hộ, vốn luôn cho rằng mục đích chính của hiệp ước là ngăn chặn tình trạng buôn lậu vũ khí làm gia tăng xung đột toàn cầu.

Bà Joanne Adamson, trưởng phái đoàn của Anh tham dự hội nghị, đánh giá cao bản dự thảo cuối cùng với nhiều điểm mới, trong đó có cả vấn đề kiểm soát đạn dược.

Theo bà Adamson, điều khoản mới sẽ giúp ngặn chặn mạnh mẽ hơn việc xuất khẩu các loại vũ khí nằm trong danh mục cấm. “Nhân quyền là trung tâm của bản dự thảo mới này. Tôi đánh giá cao điều đó”, bà Adamson nói.

Các tổ chức Tổ chức ân xá quốc tế, Oxfam và Liên minh kiểm soát vũ khí lên tiếng ủng hộ khi “bản dự thảo lấp được nhiều lỗ hổng so với các bản trước đó”.

Tuy nhiên, một số quốc gia như Ấn Độ, Syria và Iran vẫn chưa thống nhất một số điểm của bản dự thảo. Trong khi đó, Hiệp hội súng trường Mỹ - tổ chức ủng hộ sử dụng súng - phản đổi mạnh mẽ bản dự thảo và tuyên bố sẽ ngăn cản đến cùng, không để Washington thông qua dự thảo.

Hiện chưa rõ Mỹ có chấp thuận bản dự thảo trên hay không. Mặc dù vậy, rất nhiều các nguồn tin ngoại giao khẳng định Hiệp ước buôn bán vũ khí sẽ được thông qua. Thậm chí, nếu không qua được cửa ải lần này, bản dự thảo cũng sẽ “sống” khi đưa ra biểu quyết tại Đại hội đồng LHQ vào tuần tới.

Đáp ứng được kỳ vọng

Brian Wood đến từ Tổ chức ân xá quốc tế cho rằng đối tượng điều chỉnh của bản dự thảo còn khá hẹp khi chỉ có xe tăng, xe bọc thép, hệ thống pháo cỡ nòng lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa và bệ phóng tên lửa, vũ khí nhỏ và nhẹ.

Trong khi đó, máy bay không người lái, lựu đạn không được nhắc đến. Được phép nhập khẩu những gì, như thế nào cũng không được đề cập. Anna Macdonald đến từ Oxfam nêu ý kiến cần phải sửa lỗ hổng liên quan đến vấn đề hợp tác quốc phòng trong bản dự thảo, theo đó sẽ tạo kẽ hở cho việc vận chuyển vũ khí bất hợp pháp. Một số nhà ngoại giao cũng đồng tình với quan điểm của chuyên gia Oxfam.

Theo Scott Stedjan, chuyên gia cố vấn cao cấp của Oxfam, đây không phải hiệp ước hoàn hảo nhưng để có sự hoàn hảo là điều không thể và bản hiệp ước này đã đáp ứng được sự trông đợi.

Ông Stedjan cho rằng người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đang mong mỏi hiệp ước sẽ sớm đi vào đời sống. Nó sẽ giúp thay đổi cuộc sống ở Congo, Mali, Syria… những nơi đang ngập chìm trong bạo lực và xung đột.

Sự mong chờ này được thể hiện qua bầu không khí căng thẳng trong suốt quá trình họp bắt đầu từ ngày 18-3.

Trong đó, Liên minh kiểm soát vũ khí, đại diện cho khoảng 100 tổ chức trên thế giới, đã hối thúc Đại sứ Australia Peter Woolcott - người chủ trì cuộc thảo luận-không được nhượng bộ những đòi hỏi của Ấn Độ và 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ, những nước đồng thời là những nhà xuất khẩu vũ khí chính.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh