Ngày 28-3, Pa-ki-xtan lên tiếng cho rằng Áp-ga-ni-xtan đã "phản ứng thái quá" sau khi Ca-bun hủy chuyến thăm quân sự để phản đối vụ tấn công qua biên giới mới đây. Động thái đó cho thấy, bất chấp những nỗ lực trong thời gian vừa qua, quan hệ giữa hai quốc gia này vẫn chưa được cải thiện, mà theo cách nói của I-xla-ma-bát thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những “vụ việc
Ngày 28-3, Pa-ki-xtan lên tiếng cho rằng Áp-ga-ni-xtan đã "phản ứng thái quá" sau khi Ca-bun hủy chuyến thăm quân sự để phản đối vụ tấn công qua biên giới mới đây. Động thái đó cho thấy, bất chấp những nỗ lực trong thời gian vừa qua, quan hệ giữa hai quốc gia này vẫn chưa được cải thiện, mà theo cách nói của I-xla-ma-bát thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những “vụ việc vụn vặt”.
|
Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H. Ca-dai (trái), Thủ tướng Anh Đ. Ca-mê-rôn (giữa) và Tổng thống Pa-ki-xtan Da-đa-ri tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên: Anh, Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan diễn ra ở Luân Đôn hồi tháng 2. Ảnh: AP |
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan A.A-mét Chau-đri (A. Ahmed Chaudhry), việc Pa-ki-xtan mời 11 sĩ quan Áp-ga-ni-xtan tham gia cuộc tập trận tại thành phố Kết-ta (Quetta) đã được sắp đặt với mục đích tăng cường sự "hợp tác và tin cậy lẫn nhau" và các hoạt động kiểu này cần được duy trì vì lợi ích hòa bình to lớn của khu vực.
Tuy nhiên, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan sau đó đã bất ngờ yêu cầu hủy chuyến đi này với lý do "không thể chấp nhận việc Pa-ki-xtan nã pháo qua biên giới”. AFP dẫn lời Tỉnh trưởng tỉnh Cu-na (Kunar) của Áp-ga-ni-xtan cho biết, chỉ riêng hai ngày (25 và 26-3) vừa qua, có tới 50 quả rốc-két được bắn từ phía Pa-ki-xtan sang lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, gây hư hỏng tài sản.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan lại cho rằng, quân đội nước này đã đáp trả cái mà họ cho là “sự xâm phạm từ phía Áp-ga-ni-xtan”.
Việc Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan thường xuyên cáo buộc lẫn nhau để xảy ra các vụ bạo lực do Ta-li-ban gây ra dọc biên giới dài 2.400km giữa hai nước tới nay không phải chuyện hiếm.
Tuy nhiên, điều đáng nói là những cáo buộc đó đã và đang là nguyên nhân chính phá vỡ những niềm tin ít ỏi mà đôi bên cố gắng tạo dựng sau không ít các cuộc viếng thăm, hội đàm thời gian qua.
Một trong những bằng chứng cho thấy nỗ lực của Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan với hy vọng chấm dứt cuộc chiến kéo dài 11 năm tại Áp-ga-ni-xtan cũng như cải thiện quan hệ song phương, đó là việc hai nước đã cùng tham gia vào hội nghị thượng đỉnh ba bên với sự góp mặt của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai), Tổng thống Pa-ki-xtan A.A-li Da-đa-ri (A. Ali Zardari) và Thủ tướng nước chủ nhà Anh, Đa-vít Ca-mơ-rôn (David Cameron), vào đầu tháng 2-2013.
Đó là hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ ba kể từ mùa hè năm ngoái, nhằm tăng cường hợp tác giữa Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan cũng như thúc đẩy sự ổn định trong khu vực.
Cuối năm ngoái, các nhà lãnh đạo cũng như các nghị sĩ hai nước đã có hai ngày đối thoại tại I-xla-ma-bát, trong đó kêu gọi chính phủ hai nước cùng đẩy mạnh các nỗ lực chung vì hòa bình và hòa giải tại Áp-ga-ni-xtan.
Cùng thời gian này, Tổng thống Pa-ki-xtan và Tổng thống Áp-ga-ni-xtan cũng gặp nhau tại thủ đô An-ca-ra của Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về nhiều cách thức, nhằm tăng cường lòng tin đôi bên sau vụ Giám đốc Tình báo Áp-ga-ni-xtan Át-xa-đu-la Kha-lít (Assadullah Khalid) bị mưu sát tại Ca-bun.
Trong vụ việc nói trên, Áp-ga-ni-xtan cho rằng thủ phạm là người đến từ Pa-ki-xtan, trong khi I-xla-ma-bát liên tục bác bỏ cáo buộc này.
Gần đây, Áp-ga-ni-xtan cũng đã có một số hành động thể hiện mong muốn “thu hẹp bất đồng” với Pa-ki-xtan.
Trong khi Tổng thống Áp-ga-ni-xtan, Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai), khẳng định hai nước đang có kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố, thì Bộ trưởng Quốc phòng Áp-ga-ni-xtan Khan Mô-ham-ma-đi (Khan Mohammadi) hồi đầu năm cũng đã có chuyến công du 5 năm ngày tới Pa-ki-xtan. Tất cả đều nhằm một mục đích chung, đó là cải thiện quan hệ song phương.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó đang như muối bỏ bể, bởi những bất đồng liên quan đến khu vực biên giới giữa hai nước, mà điển hình là vụ nã rốc-két khiến Ca-bun quyết định hủy chuyến thăm quân sự tới Pa-ki-xtan vừa qua.
Vấn đề lớn nhất trong quan hệ giữa Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan có lẽ là phải tìm lại niềm tin đã mất. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Ca-bun và I-xla-ma-bát cần phải tìm được tiếng nói chung và cùng bắt tay giải quyết những xích mích dù là nhỏ nhất, tránh sa vào những cuộc cãi vã như thời gian qua.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin